Nhà độc tài Jogre Rafael Videla là nguyên nhân khiến 30.000 người chết hoặc mất tích trong giai đoạn 1978-1983.
Chiến thắng bất ngờ của đội tuyển Argentina trước Peru trong khuôn khổ World Cup 1978 từ lâu đã bị nghi ngờ là một sản phẩm của chế độ độc tài Jorge Rafael Videla.
Bởi Argentina đã đánh bại Peru với kết quả không tưởng 6-0 để rồi vào đến chung kết và vượt qua Hà Lan với tỉ số 3-1, lần đầu đăng quang ngôi vô địch.
Khi World Cup trở thành công cụ chính trị
Hai năm trước khi World Cup 1978 khởi tranh, các tướng lĩnh quân sự do Jogre Rafael Videla dẫn đầu lật đổ chính quyền và thâu tóm toàn bộ quyền lực.
Kể từ đó, đất nước Argentina rơi vào chuỗi ngày đen tối với cuộc Chiến tranh bẩn thỉu (Dirty War) hay còn gọi là Quá trình Tổ chức lại Quốc gia. Chính quyền độc tài không ngừng săn lùng, giết hại bất cứ người nào bất đồng chính kiến.
Ước tính trong giai đoạn 1976-1983, có khoảng 30.000 người Argentina chết và mất tích như vậy. Có những tin đồn rằng họ bị đem lên máy bay, thả xuống biển ở một độ cao nhất định.
World Cup 1978 được ấn định tổ chức ở Argentina từ nhiều năm trước. Nhưng quá trình chuyên giao quyền lực trong bạo lực ở quốc gia này không khiến FIFA thay đổi quyết định.
Đội tuyển Argentina lần đầu vô địch World Cup ngay trên sân nhà.
Chính quyền quân sự khi lên nắm quyền cũng thừa hưởng quyền đăng cai World Cup của chính phủ thời kỳ trước. Giống như các nhà độc tài trong quá khứ, Jogre Rafael Videla tin rằng, đây là cơ hội tốt để Argentina quảng bá hình ảnh đất nước.
Đối với một đất nước cuồng nhiệt bóng đá như Argentina, không có cách nào tuyên truyền tốt hơn tới người dân bằng trái bóng tròn thông qua những sân vận động luôn kín chỗ vào mỗi cuối tuần.
Đây cũng là thời cơ để Videla bịt miệng những người bất đồng chính kiến. Bởi khi hàng triệu người Argentina theo dõi ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới được tổ chức trên sân nhà, họ không hề biết gì đến những chuyện ngầm diễn ra đằng sau.
Nhưng để kế hoạch này thành công, Đội tuyển Argentina phải vô địch, giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh phải thành công, nếu không muốn những xung đột bùng nổ ngay sau khi World Cup kết thúc.
Chính quyền độc tài Videla còn cẩn thận thuê một công ty ở New York đảm nhiệm việc quảng bá sự kiện. Người dân buộc phải rời khu ổ chuột, tù nhân chính trị bị đưa đến những khu vực hẻo lánh.
Trận World Cup “sặc mùi dàn xếp”
Tại vòng chung kết World Cup 1978, Argentina rơi vào bảng đấu cùng với Italia, Pháp và Hungary.
Đội chủ nhà thắng Hungary, Pháp, nhưng thua Italia ở lượt trận cuối cùng và kết thúc vòng bảng đầu tiên ở vị trí thứ hai. Bước vào vòng bảng thứ hai. Argentina phải đối đầu đội tuyển Brazil, Peru và Ba Lan.
Brazil chưa bao giờ được đánh giá là đối thủ yếu, còn Peru trong thời kỳ hoàng kim với hàng loạt những ngôi sao đã giúp đội tuyển quốc gia vô địch Nam Mỹ vào năm 1975.
Chiếc cúp vàng World Cup đã ở lại Argentina năm 1978.
Ở thời điểm này, có những tin đồn về việc một số cầu thủ Argentina sử dụng ma túy khi thi đấu. Có cầu thủ còn đánh tráo mẫu nước tiểu của vợ thành của mình, dẫn đến kết quả đầy bất ngờ là một cầu thủ “đang trong giai đoạn mang thai”.
Kết quả không ấn tượng ở vòng đấu bảng thứ hai khiến Argentina buộc phải thắng Peru với cách biệt ít nhất 4 bàn mới đủ điều kiện lọt vào trận chung kết. Điều này gần như là không tưởng và khi đó ai cũng nghĩ đến một kịch bản đen tối đối với cả đất nước Argentina.
Peru là đội mạnh và họ chỉ để thủng lưới 6 bàn trong cả 5 trận đấu trước. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, Argentina thắng Peru 6-0 để tiến vào chung kết.
Thủ môn Peru Ramon Quiroga là người gốc Argentina và anh này ngay lập tức trở thành tâm điểm nghi ngờ của dư luận. Nhưng có thông tin lộ ra ngoài rằng, trước trận đấu, đích thân nhà độc tài Jorge Videla đã vào phòng thay đồ của các cầu thủ Peru để nói rõ vấn đề.
Đó có thể là lý do vì sao cầu thủ chủ lực của Peru là Jose Velasquez không ra sân còn đội trưởng Hector Chumpitaz bị thay ra chỉ 10 phút sau khi hiệp 2 bắt đầu.
“Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra”, Chumpitaz nhớ lại. “Chúng tôi bị dẫn 2 bàn, tôi là cầu thủ quan trọng và không có lý gì lại phải ra sân”.
Các cầu thủ Argentina thi đấu trên sân mà không biết rằng mình trở thành công cụ chính trị.
Sau trận đấu, Argentina chuyển 6.000 tấn lúa mì cho Peru với giá hết sức “hữu nghị”. Ngân hàng Argentina ngừng đóng băng khoản tài sản trị giá 50 triệu USD của Peru. 13 người Peru bị Argentina giam giữ cũng được trả về nước.
34 năm sau trận đấu gây tranh cãi, cựu Nghị sĩ Peru, Genaro Ledesma, khẳng định trận thua 0-6 tại World Cup 1978 là “một cuộc dàn xếp giữa chính quyền Argentina và Peru”. "Videla cần chức vô địch World Cup để làm trong sạch hình ảnh đất nước", Ledesma nói.
Quay trở lại với World Cup 1978, trước hàng vạn cổ động viên nhà, đội tuyển Argentina đánh bại Hà Lan với tỉ số 3-1 trong trận chung kết để lần đầu tiên lên ngôi vô địch thế giới. Kết thúc trận đấu, người Hà Lan phàn nàn rằng “Argentina có lẽ chỉ thắng được trên sân nhà”.
Chức vô địch World Cup 1978 rõ ràng giúp chính quyền quân sự có thêm thời gian, khi người dân Buenos Aires đổ ra đường phố ăn mừng chiến thắng lịch sử. Nhưng Jogre Videla cũng chỉ cầm quyền được 5 năm trước khi bị lật đổ.
Có thể nói, World Cup 1978 là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về việc giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh được sử dụng như một công cụ chính trị. Và đây cũng không phải lần duy nhất World Cup bị chi phối như vậy trong suốt gần 100 năm lịch sử.
Lỗi đá phản lưới nhà trong một giải World Cup đã khiến một sao bóng đá phải chịu số phận bi thảm.