Dân Việt

Lật lại vụ đánh bom phố Wall (Kỳ cuối): Thủ phạm bí ẩn

Nguyễn Bình 27/06/2018 12:27 GMT+7
Ngày 17.9, Cục Điều tra Bộ Tư pháp đã công bố nội dung những tờ rơi được tìm thấy trong một hòm thư bưu điện tại khu vực phố Wall. Tờ rơi được in bằng chữ đỏ nền trắng, trên đó viết: “Hãy nhớ rằng, chúng ta sẽ không nhân nhượng thêm nữa. Hãy thả các tù nhân chính trị hoặc tất cả các người phải đón nhận cái chết”.

THỦ PHẠM LÀ NHỮNG KẺ VÔ CHÍNH PHỦ?

Vụ đánh bom là một cú hích để các giới chức liên bang có những quyết sách mang tính đổi mới trong việc theo dõi từng hành động và phong trào của các phần tử cực đoan nước ngoài. Đòi hỏi của công chúng đối với việc truy tìm thủ phạm đã dẫn tới một vai trò mở rộng cho Cục Điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, trong đó có Phòng Tình báo tổng hợp, được điều hành bởi J. Edgar Hoover. Sở cảnh sát thành phố New York cũng được thúc đẩy thành lập một lực lượng cảnh sát đặc biệt nhằm giám sát các “phần tử cực đoan” trong thành phố New York.

img

Mario Buda, đối tượng bị tình nghi tiến hành vụ đánh bom.

Ngày 17.9, Cục Điều tra Bộ Tư pháp đã công bố nội dung những tờ rơi được tìm thấy trong một hòm thư bưu điện tại khu vực phố Wall. Tờ rơi được in bằng chữ đỏ nền trắng, trên đó viết: “Hãy nhớ rằng, chúng ta sẽ không nhân nhượng thêm nữa. Hãy thả các tù nhân chính trị hoặc tất cả các người phải đón nhận cái chết”. Phía dưới tờ rơi có ghi: “Những chiến binh vô chính phủ Mỹ”. Nhờ những tờ rơi này, Cục Điều tra Bộ Tư pháp đã nhanh chóng nhận định, vụ nổ không phải là một tai nạn tình cờ. William J. Flynn, Giám đốc Cục Điều tra cho hay, những tờ rơi này giống với tờ rơi được tìm thấy trong các vụ đánh bom của những phần tử vô chính phủ vào dịp tháng 6.1919.

Cuộc điều tra do Bộ Tư pháp thực hiện đã bị gián đoạn khi không ai trong số nạn nhân được xác định là người đã điều khiển xe ngựa. Mặc dù con ngựa mới được đóng móng nhưng các điều tra viên không thể tìm được người thợ rèn nào đã làm việc đó.

img

Tòa nhà J.P. Morgan những năm 1920.

Các điều tra viên đã thẩm vấn nhà vô địch môn quần vợt, Edwin Fischer do anh này đã gửi những bưu thiếp khuyên bạn bè nên rời khỏi khu vực gần tòa nhà J.P. Morgan trước ngày 16.9. Edwin Fischer nói với cảnh sát rằng, anh ta nhận được cảnh báo này qua “tin đồn”. Tuy nhiên, việc gửi cảnh báo cho người quen chỉ là những thói quen thường xuyên của Fischer. Anh ta được đưa tới Bệnh viện Amityville Asylum để kiểm tra và được chẩn đoán là tâm thần.

Cục Điều tra Bộ Tư pháp và cảnh sát địa phương đã điều tra vụ án hơn 3 năm nhưng không thành công. Cuộc điều tra lúc đầu tập trung vào những kẻ vô chính phủ và những người theo chủ nghĩa cộng sản, như là nhóm Galleanist, được cho là có liên quan đến các vụ đánh bom năm 1919. Trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Warren G. Harding, có ý kiến cho rằng Liên Xô có thể đứng sau vụ đánh bom phố Wall và sau đó là Đảng cộng sản Hoa Kỳ. Năm 1944, Cục Điều tra Liên bang (FBI), tiền thân là Cục Điều tra Bộ Tư pháp, đã tiến hành điều tra lại vụ án một lần nữa.

FBI kết luận rằng, các đặc vụ của mình đã lần ra nhiều nhóm cực đoan, chẳng hạn như: Liên đoàn công nhân Nga, nhóm I.W.W, nhóm theo chủ nghĩa Cộng sản… Tuy nhiên, không tổ chức nào nêu trên đã tham gia vào vụ việc, và nhiều khả năng vụ nổ được thực hiện bởi một trong hai nhóm, hoặc những kẻ vô chính phủ người Italy hoặc những kẻ khủng bố người Italy.

Một số nhà sử học nhận định, Mario Buda (1884 - 1963), một phần tử vô chính phủ người Italy thuộc tổ chức Galleanist có liên hệ với Sacco và Vanzetti (hai thủ phạm trong một vụ giết người và bị chính quyền bắt giữ) có thể là thủ phạm chính trong vụ đánh bom. Các nhà sử học cho rằng, Buda hành động như vậy để trả thù cho hai tên đồng bọn, Sacco và Vanzetti. Cháu trai của Buda là Frank Maffi và người phỏng vấn hắn tại Savignano, Italy năm 1955, Charles Poggi, cũng theo chủ nghĩa vô chính phủ khẳng định rằng, Buda chính là kẻ đã đánh bom phố Wall. Buda (thời điểm đó được biết đến với bí danh là Mike Boda) đã lẩn trốn nhà chức trách vào thời điểm Sacco và Vanzetti bị bắt giữ, có kinh nghiệm trong việc sử dụng thuốc nổ và những vật liệu nổ khác, cũng như cách sử dụng các mẩu kim loại nhỏ làm mảnh đạn trong các vụ đánh bom hẹn giờ. Người ta cho rằng, Buda đã chế tạo một vài trong số những quả bom lớn nhất dành cho các thành viên của nhóm Galleanists (Buda cũng là nghi phạm trong một vụ đánh bom tại San Francisco ngày 22.7.1916). Trong đó, một quả bom lớn dùng thuốc súng đen đã khiến 9 cảnh sát ở Milwaukee, Wisconsin thiệt mạng vào năm 1917. Vào thời điểm xảy ra vụ đánh bom phố Wall, Buda cũng có mặt ở thành phố New York, nhưng hắn ta không hề bị cảnh sát bắt giữ hoặc thẩm vấn.

Sau khi rời New York, Buda sử dụng lại tên thật của mình và sau đó lên tàu thủy tới Naples. Vào tháng 11, hắn ta trở lại Italy và không bao giờ quay lại Hoa Kỳ.

Các thành viên của tổ chức Galleanist khác vẫn còn ở Mỹ để tiếp tục chiến dịch đánh bom và ám sát trong 12 năm tiếp theo, đỉnh điểm là vụ đánh bom năm 1932 nhằm vào thẩm phán Webster Thayer, Chủ tọa xét xử Sacco và Vanzetti. Thayer may mắn sống sót, tuy nhiên vụ nổ kế tiếp đã phá hủy ngôi nhà của ông, đồng thời khiến vợ và người quản gia của ông bị thương. Để đảm bảo an toàn, Thayer đã di chuyển chỗ ở tới nơi làm việc của mình cho phần đời còn lại, tại đây ông được bảo vệ 24/24.

Ngày nay, đoạn mái vòm bằng đá vôi của tòa nhà 23 phố Wall vẫn còn mang nhiều “vết sẹo” từ sau vụ nổ cách đây hơn 90 năm. Những vết tích nhỏ đó là dấu hiệu duy nhất còn sót lại sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu này.