TÌNH DỤC VÀ NHỮNG CHIẾN BINH THÁNH CHIẾN CÔ ĐƠN
Một khía cạnh khác của cuộc chiến chống IS hiện nay đó là nếu Al-Qaeda tự làm mất đi sự hấp dẫn của chúng bằng việc tấn công vào những mục tiêu cả là người Hồi giáo và sự bạo lực thái quá thì IS lại đang vận hành một chiến dịch tuyên truyền, tuyển mộ rất bài bản và hiệu quả.
Việc thường xuyên giết hại người Hồi giáo đã làm Al-Qaeda mất đi hình ảnh là kẻ tiên phong trong phong trào Hồi giáo. Các vụ tấn công khủng bố ở Marốc, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2003, ở Tây Ban Nha năm 2004 hay Jordan và Mỹ năm 2005 làm rất nhiều người Hồi giáo thương vong đã khiến cộng đồng Hồi giáo thế giới tức giận. Điều đó khiến sự ủng hộ của thế giới Hồi giáo đối với mạng lưới này suy giảm. Tới năm 2007, Al-Qaeda dần mất đi sự hậu thuẫn của người dân và tới nay tổ chức này đang bị phần lớn thế giới Hồi giáo chỉ trích.
IS thành công trong việc thu hút một bộ phận nữ giới gia nhập.
Ở Al-Qaeda, không có chỗ cho rượu hay phụ nữ, hay nói cách khác, Al-Qaeda là một thế giới không có tình dục.Và với những lính mới còn đang trong độ tuổi thanh niên của chúng, tình dục chỉ có sau khi kết hôn hoặc… tử vì đạo. Giới lãnh đạo Al-Qaeda quan niệm đây là nguyên tắc thuộc về đạo đức và đó cũng là yếu tố làm mất đi sự hấp dẫn của Al-Qaeda trong con mắt giới trẻ Hồi giáo. Nắm được điều này, một số nước như Indonesia, Singapore đã triển khai thành công các chương trình đưa các phần tử Hồi giáo cực đoan hội nhập trở lại xã hội, nơi họ có thể thỏa mãn những nhu cầu của mình như một người bình thường.
Trong khi đó, IS lại truyền tải những thông điệp hoàn toàn khác tới các thanh niên và đôi khi là cả thiếu nữ để thu hút họ nhập hội. Nhóm này quyến rũ giới trẻ không chỉ bằng sức hút với tôn giáo mà còn đánh cả vào sự ưa thích mạo hiểm, phiêu lưu, vào quyền lực cá nhân, cảm giác về cái tôi và về cộng đồng mà chúng thuộc về. Một số đối tượng đến với IS chỉ để muốn thỏa mãn thú vui giết chóc và dĩ nhiên, IS cũng sẵn lòng tiếp nhận. Những video về sự tàn bạo, về cảnh khói lửa của “cuộc chiến bảo vệ giáo lý Đạo Hồi” nơi tiền tuyến của các phần tử thánh chiến cũng thu hút thêm nhiều chiến binh về cho tổ chức này.
Những chiến binh đến với IS được chúng ngay lập tức tạo điều kiện tham chiến. IS còn tuyên truyền, gây dựng hình ảnh của tổ chức thông qua những bưu thiếp, bức hình được chính các tay súng của IS “sản xuất” trên chiến trường. Nhóm này cũng tuyển cả vợ cho những chiến binh, ban đầu có một số phụ nữ tình nguyện trong vai trò này, nhưng thực tế đa số họ đều bị cưỡng bức hoặc thậm chí trở thành nô lệ tình dục sau khi đặt chân đến các lán trại của IS.
Tóm lại, IS đưa ra những phần thưởng rất thực tế và trực quan, khai thác lòng tham của con người vào quyền lực, của cải, về một cuộc sống phiêu lưu mạo hiểm, một lối sống khác biệt. IS tạo ra cho các chiến binh và những đối tượng mà chúng hướng tới lòng ham muốn là một phần của những thành công của nhà nước Hồi giáo. Thực tế là với nhiều thanh niên bị tổ chức này thu hút, họ thậm chí không hiểu thực ra IS là gì. So với những giáo lý khô khan và sự khổ hạnh của Al-Qaeda, IS đánh vào những thứ thuộc về bản năng của con người, điều này khiến thế giới rất khó để ngăn cản các đối tượng muốn tìm đến IS.
Cùng với chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố mới, sau vụ 11.9, Mỹ còn tái định hình hoạt động chống nổi dậy. Tình trạng hỗn loạn lan tràn ở Iraq sau khi Mỹ xâm lược và chiếm đóng quốc gia này, quân đội Mỹ buộc phải lao vào cuộc chiến chống nổi dậy - một chủ đề ít được nhắc tới trong chiến lược an ninh quốc gia kể từ sau Chiến tranh Việt Nam.
Trước những thành công gần đây của IS ở các khu vực của người Sunni ở Iraq, một số người cho rằng Washington cần phải tái áp dụng chiến lược chống nổi dậy tại quốc gia này. Và Nhà Trắng dường như bị thuyết phục phần nào khi năm 2014, Tổng thống Obama đã đưa Tướng Allen vào vị trí Đặc phái viên phụ trách việc xây dựng liên minh chống IS trong khu vực. Cách tiếp cận này có vẻ lôgic sau khi các nhóm nổi dậy từng đứng về phía Mỹ nhờ chương trình “Sự thức tỉnh của người Sunni” đã ngả về IS. Thực tế, khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại sau khi rút quân vào năm 2011 và việc đưa Thủ tướng Maliki lên nắm quyền tại Baghdad đã biến những bộ tộc nổi dậy thành các mối đe dọa an ninh.
Nhưng tình thế nay đã khác so với năm 2006 và logic của chiến lược chống nổi dậy của Mỹ từng áp dụng ở Iraq không còn phù hợp để đối phó với IS. Mỹ không thể giành được con tim và khối óc của người Hồi giáo Sunni vì chính phủ của Thủ tướng Maliki đã đánh mất nó. Chính phủ Iraq do người Shiite kiểm soát đã tự hủy hoại danh tiếng của mình trong con mắt người Hồi giáo Sunni chiếm số đông ở Iraq. Điều này khó có thể khôi phục được trong một sớm một chiều. Trong khi đó, Mỹ đã không còn ở Iraq và dù vẫn có thể tái triển khai quân tới đây nhưng Washington cũng không thể tạo dựng được uy tín cho một chính phủ đã vượt khỏi tầm kiểm soát của Mỹ. Quan trọng hơn, IS không phải là một nhóm phiến quân nổi dậy chống chính quyền trung ương hay là một bên trong cuộc nội chiến giữa một vùng lãnh thổ ly khai với chính quyền trung ương yếu.