Dân Việt

Phú Yên sẽ thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Nam Trung Bộ

Với tiềm năng đa dạng địa hình, thế mạnh về nông lâm thủy sản, Phú Yên đã xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm an toàn là một chiến lược đầu tư lớn.

Xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Từ năm 2013, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập; là 1 trong 10 khu NNCNC trong quy hoạch tổng thể của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Khu NNUDCNC được xác định nhiệm vụ thực hiện ứng dụng các thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp; chủ yếu là các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, bảo quản và chế biến nông sản, sản xuất chế phẩm sinh học và thức ăn chăn nuôi cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ

img

Phối cảnh một góc Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên. Ảnh: Hùng Phiên 

Khu NNUDCNC Phú Yên có tổng diện tích giai đoạn I là 460ha, tại xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa. Nơi đây bao gồm 7 phân khu chức năng chính: Khu trung tâm, quản lý, dịch vụ công nghệ cao; Khu nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Khu đào tạo, chuyển giao công nghệ, trình diễn và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Khu đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; Khu lâm viên và dịch vụ dân sinh; Các Khu dân cư nông thôn.

Ban quản lý Khu NNUDCNC Phú Yên đang ráo riết xây dựng hệ thống thủy lợi, đường giao thông trục chính, trụ sở điều hành, hệ thống xử lý chất thải và một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác như hệ thống điện, thông tin, hạ tầng kỹ thuật tái định cư,... Riêng Đập dâng Hồ thủy lợi Lỗ chài 1 đã thực hiện tích nước trong năm 2017 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý 2 năm 2018, việc đưa Hệ thống thủy lợi Lỗ chài 1 đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cấp nước (theo quy trình tưới tiết kiệm) cho 460ha, giúp các nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, dự án Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên, với quy mô đầu tư nhà làm việc, phòng thí nghiệm, phòng nuôi cấy mô, nhà màng, nhà lưới,… Việc đưa dự án đi vào hoạt động với các phòng thí nghiệm, phòng nuôi cấy mô, nhà màng, nhà lưới sẽ giúp cho Ban quản lý triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, sớm đưa ra những sản phẩm giống nông nghiệp công nghệ cao tốt nhất để nhân rộng ra các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

img

Nhân giống dưa lưới tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên. Ảnh: Hùng Phiên

Dự án Kết hợp ứng dụng hệ thống điện mặt trời với hệ thống tưới tiết kiệm nước phục vụ sản xuất phục vụ công nghệ cao. Với quy mô là đầu tư hệ thống điện mặt trời và hệ thống tưới tiết kiệm nước, bằng nguồn vốn không hoàn lại do dự án GGSF tài trợ và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. Hiện tại, UBND tỉnh đã phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình và kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Đến nay, Khu NNUDCNC Phú Yên đã có 5 dự án đang triển khai đầu tư. Đó là, Dự án Chăn nuôi gà sạch công nghệ cao của Công ty TNHH Chăn nuôi gà sạch Đồng Lợi, tổng mức đầu tư 16 tỷ đồng; Dự án Trồng và cung cấp nông sản sạch SmartAgri Phú Yên của Công ty TNHH SmartAgri Phú Yên, tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng; Dự án nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh công nghệ cao của Công ty CP công nghệ cao phân hữu cơ vi sinh Phú Yên, tổng mức đầu tư 16 tỷ đồng; Dự án Ứng dụng công nghệ tự động và bán tự động trong sản xuất một số loại rau quả của Công ty TNHH đầu tư Nam Việt Hưng Phú Yên, tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng; Dự án Sản xuất rau công nghệ cao khu vực miền Trung của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng), tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng.

Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

img

Nuôi tôm công nghệ cao tại Công ty TNHH thủy sản Đắc Lộc, Phú Yên. Ảnh: Hùng Phiên

Bên cạnh việc xây dựng Khu NNUDCNC, Phú Yên cũng đã tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, an toàn. Đó là vùng sản xuất lúa chất lượng cao, với quy mô dự kiến 10.000ha tại các huyện Phú Hòa, Đông Hòa và TP.Tuy Hòa; sản lượng khoảng 120.000 tấn gạo/năm. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiến hành đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; chọn tạo các giống lúa phù hợp có năng suất, chất lượng cao; áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng thương hiệu lúa gạo gắn với chỉ dẫn địa lý; sản xuất theo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp để chế biến, tiêu thụ gạo,...

Đối với vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có đủ điều kiện tham gia đầu tư và sản xuất chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến, vùng chăn nuôi trâu bò đặt tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh; với quy mô 4.200ha. Vùng chăn nuôi heo, gia cầm đặt tại các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An, TX.Sông Cầu và TP.Tuy Hòa; quy mô khoảng 2.150ha. Mục tiêu nhằm hình thành các vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có sức cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sinh học; ứng dụng các biện pháp, công nghệ chăn nuôi tiên triến; hình thành chuỗi giá trị và phân phối khép kín,...

img

Sản xuất phôi nấm tại Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên. Ảnh: Hùng Phiên

Phú Yên cũng đang dành 400 - 500ha để quy hoạch vùng trồng  hoa, rau màu, dược liệu, cây ăn trái, cây chè, cây ăn quả. Quy mô cụ thể cho từng loại cây sẽ đề xuất sau khi khảo sát thực tế về các điệu kiện đất đai, thời tiết khí hậu,… tại cao nguyên Vân Hòa (các xã Sơn Long, Sơn Xuân, Sơn Định, huyện Sơn Hòa). Mục tiêu nhằm xây dựng vùng chuyên canh nông sản đặc trưng khí hậu ôn đới phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng, việc sản xuất hoa, rau thực phẩm sẽ áp dụng công nghệ cao, theo hướng VietGAP; tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ khép kín; mời gọi các nhà đầu tư các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; cung ứng sản phẩm sạch cho các siêu thị, các khu công nghiệp tập trung,…

Tại xã Xuân Hải (TX.Sông Cầu), tỉnh cũng đã quy hoạch vùng sản xuất chăn nuôi thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao; với quy mô 100ha. Đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP,...

Giải pháp nhân lực, xúc tiến thị trường

Phú Yên đang dồn lực xúc tiến hợp tác với nhiều nhà đầu tư chiến lược để mời gọi tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn và sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức các đợt nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư, tập trung vào các nước có nền nông nghiệp tiên tiến đã ứng dụng thành công các công nghệ cao trong nông nghiệp; điển hình là các nước trong khu vực Đông Nam Á có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu gần với Việt Nam. Tích cực tham gia hoạt động của câu lạc bộ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chủ động hợp tác với các Viện, Trường, trung tâm công nghệ cao trong công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động Khu nông nghiệp. Chủ động liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, vùng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đổi mới công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng một số sản phẩm chủ lực và đào tạo nguồn nhân lực.

img

Vườn sưu tập dược liệu tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên. Ảnh: Hùng Phiên

Tuy nhiên, quá trình hình thành và hoạt động Khu NNUDCNC Phú Yên cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Mô hình nông nghiệp UDCNC, sản xuất quy mô lớn cần vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đầu tư hạ tầng và kêu gọi thu hút đầu tư. Hiện vẫn chưa có cơ chế đặc thù riêng cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên hạn chế trong công tác thu hút các nhà đầu tư. Chưa có các chính sách cụ thể hỗ trợ, cũng như xác định được công nghệ phù hợp. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn manh mún, bấp bênh, chưa bền vững.

UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Chính phủ cần sớm thể chế hóa bằng các chính sách, cơ chế (Nghị định) phù hợp cho sản xuất NNCNC, an toàn, như: ổn định về giao đất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá thị trường, bảo hiểm rủi ro trong một thời gian nhất định. Đặc biệt quan tâm đến chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất phân bón hữu cơ, phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến nông sản an toàn.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về vai trò của nông sản an toàn; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng và nhà quản lý về việc tuân thủ quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận nông sản an toàn. Để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, nên có quy định cơ chế chính sách tài chính, quyền hạn đối với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.