Trồng rau công nghệ “xuất ngoại”
Bà Nguyễn Thị Tường Vy - Phó Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh Lâm Đồng cho biết, tổng diện tích canh tác cua tỉnh đạt 278.882ha, với diện tích gieo trồng 373.739ha (cây hàng năm 129.374 ha và cây lâu năm 244.365ha), trong đó giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 185 triệu đồng/ha/năm…
Tỉnh Lâm Đồng trồng hoa, rau công nghệ cao “xuất ngoại” để tăng thu nhập cho người dân cũng như thu hút các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư. Ảnh: Trung Kiên
“Cuối năm 2017, toàn tỉnh Lâm Đồng có 51.779ha đất sản xuất ứng dụng công nghệ cao (NNCNC), diện tích trồng rau chiếm 18.968ha, số còn lại là trồng hoa, cây đặc sản, chè, cà phê và lúa chất lượng cao. Trong đó, có 4.040ha nhà kính (2.070ha rau, 1.970ha hoa) với 50 ha nhà kính nhập khẩu đồng bộ; 694ha ứng dụng công nghệ điều khiển tự động, bán tự động về nhiệt độ, độ ẩm, cường độ và thời gian chiếu sáng; 19.507ha rau, hoa ứng dụng hệ thống tưới kết hợp châm phân tự động…” - bà Vy chia sẻ.
Đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng tạo sức lan tỏa mạnh mẻ cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh: Trung Kiên
Hiện nay, sản xuất rau hoa công nghệ cao của Lâm Đồng có diện tích 4.040ha canh tác trong nhà kính (2.070 ha rau, 1.970 ha hoa), 694 ha ứng dụng công nghệ điều khiển tự động, bán tự động và 19.507ha rau, hoa ứng dụng hệ thống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt kết hợp châm phân tự động; có 15 doanh nghiệp, cơ sở ứng dụng công nghệ thông minh (IOT) vào sản xuất với diện tích 24ha. Đến nay, toàn tỉnh có 22.751ha rau, hoa, cây đặc sản sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Giá trị 1ha đất canh tác NNCNC ở Lâm Đồng đạt 320 triệu đồng/ha (cao gấp 2 lần, năng suất bình quân cao hơn từ 30 – 50% so với sản xuất thông thường); lợi nhuận đạt trên 40% doanh thu. Ảnh: Trung Kiên
Cũng theo bà Nguyễn Thị Tường Vy, sản phẩm NNCNC chiếm trên 30% giá trị sản xuất của ngành NN, trong đó giá trị 1ha đất canh tác NNCNC đạt 320 triệu đồng/ha (cao gấp 2 lần, năng suất bình quân, cao hơn từ 30 – 50% so với sản xuất thông thường); lợi nhuận đạt trên 40% doanh thu… “Sản lượng xuất khẩu rau năm 2017 đạt 10.744 tấn, giá trị 27.7 triệu USD; Hoa công nghệ cao có diện tích 3.624 ha (93,6% diện tích canh tác); tặng 49.5% diện tích so với năm 2015; với sản lượng đạt 2.902.081 ngàn cành, giá trị sản xuất 800 triệu đồng/ha. Sản lượng hoa xuất khẩu 2017 đạt 291.4 triệu cành, giá trị đạt 34 triệu USD...” - bà Vy phấn khởi nói.
Ứng dụng nhiều công nghệ mới
Theo Hội ND tỉnh Lâm Đồng, hiện có 15 đơn vị ứng dụng công nghệ thông minh (IOT) vào sản xuất, giảm chi phí nhân công trên 30%, đồng thời hỗ trợ kiểm soát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm…Ngoài ra, nhiều công nghệ mới đã ứng dụng và sản xuất với trình độ đã tương đương các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia...
Lâm Đồng có 08 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp NNCNC và đây là những đơn vị đầu tàu trong sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn. Ảnh: Trung Kiên
“Công nghệ ghép đã áp dụng rộng rãi trên cà chua và các loại cây họ cà khác như: cà tím, ớt ngọt đang từng bước ứng dụng công nghệ ghép trong sản xuất giống. Bên cạnh đó, sử dụng thiết bị plastic 3-5 lớp có tác dụng chống tia UV (tia cực tím), khuếch tán ánh sáng, hạn chế côn trùng, chống bám bụi và độ bền cao (5-7 năm). Diện tích canh tác trong nhà kính của Lâm Đồng khoảng 4.040ha, trong đó 50 ha nhà kính nhập khẩu có giá trị trên 20 tỷ đồng/ha, nhà lưới 1.037 ha, màng phủ nông nghiệp 8.268ha, tưới tự đọng 24.388ha…” - bà Vy chia sẻ.
Bên cạnh đó, phát triển NNCNC, NN sạch đã được đưa công nghệ sinh học vào canh tác. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã sản xuất, nhập khẩu sử dụng thiên địch nhện bắt mồi Hypoaspis miles, nhện bắt mồi Amblyseius... Nhiều loại phân bón thế hệ mới, công nghệ Nano, sinh học, vi sinh,… cũng được ứng dụng trong canh tác thủy canh, trồng trên giá thể để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, canh tác không dùng đất được ứng dụng vào gieo ươm trên 02 tỷ cây giống thương phẩm rau hoa và cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm. Áp dụng công nghệ cảm biến, tự động, công nghệ thông minh trong thu hoạch, quản lý và điều khiển…
Hoa công nghệ cao ở Lâm Đồng có diện tích 3.624 ha, với sản lượng đạt 2.902.081 ngàn cành, giá trị sản xuất 800 triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Kiên
Được biết, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 08 doanh nghiệp được Bộ NNPTNT công nhận là doanh nghiệp NNCNC (Công ty CP CNSH rừng hoa Đà Lạt, Công ty Dalat Has Farm, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Trường Hoàng; Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, Công ty TNHH trang trại Langbiang, Công ty TNHH SX-TM-NS Phong Thúy và Công ty TNHH Trà Long Đỉnh), canh tác 278.6 ha/679.1ha, chủ yếu là sản xuất rau, hoa cao cấp; tổng diện tích liên kết với nông dân của các doanh nghiệp đạt 247.4ha.
“Những DN này trở thành những đơn vị đầu tàu trong sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn. Nhờ việc mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại và tổ chức lại bộ máy sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhiều nông dân, chủ trang trại, HTX trên địa bàn trở thành vệ tinh cho các DN…” - bà Vy khẳng định.