AI và tên lửa
Dự án bí mật trên hầu như không được trình bày trong ngân sách mới nhất của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ tiết lộ với rằng quân đội nước này đang phát triển hệ thống AI giúp bảo vệ Washington tốt hơn trước một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân tiềm tàng từ Bình Nhưỡng.
Nếu thành công, hệ thống AI đó sẽ có khả năng phân tích một lượng lớn dữ liệu - bao gồm hình ảnh vệ tinh - với tốc độ và độ chính xác vượt trội nhằm tìm ra các dấu hiệu chuẩn bị phóng tên lửa. Điều này giúp quân đội Mỹ có nhiều thời gian hơn để bắn hạ tên lửa trước khi chúng khởi động hoặc ngăn chặn vụ phóng hiệu quả.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề xuất khoản tài trợ cao gấp 3 lần vào năm tới – 83 triệu USD – dành cho một chương trình tên lửa liên quan đến AI.
Động thái này cho thấy tầm quan trọng của việc chế tạo hệ thống này trong bối cảnh Nga ngày càng quyết đoán về quân sự cũng như mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work từng ví von: "Những gì AI làm được là cho phép bạn tìm kim trong đống cỏ khô".
Theo một nguồn tin thân cận với dự án, hệ thống AI nói trên đặt trọng tâm vào Triều Tiên. Lý do là Washington lo ngại về việc Bình Nhưỡng phát triển tên lửa di động có thể được giấu trong đường hầm, rừng và hang động. Trong khi giữ bí mật dự án, Lầu Năm Góc vẫn bày tỏ mối quan tâm đối với AI. Chẳng hạn, cơ quan này đề cập tới việc sử dụng AI để xác định các đối tượng từ video thu thập trong chương trình máy bay không người lái, gọi là "Dự án Maven".
Mỹ đang trong cuộc đua chống lại Trung Quốc và Nga, mục đích chế tạo các hệ thống tự động phức tạp hơn có khả năng tự học hỏi để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Sử dụng AI để xác định những mối đe dọa tên lửa tiềm tàng chỉ là một phần trong nỗ lực tổng thể đó.
Lầu Năm Góc chụp từ chiếc Không lực 1 tháng 3-2018. Ảnh: Reuters
Cuộc đua vũ khí AI
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết quân đội nước này đã tiến hành thử nghiệm nguyên mẫu hệ thống theo dõi bệ phóng tên lửa di động. Dự án liên quan đến các nhà nghiên cứu quân sự và tư nhân ở Washington, xoay quanh những tiến bộ công nghệ do một số công ty thương mại phát triển và được Quỹ đầu tư mạo hiểm của cộng đồng tình báo Mỹ (In-Q-Tel) tài trợ.
Để thực hiện nghiên cứu, dự án đang khai thác dịch vụ đám mây thương mại của cộng đồng tình báo, tìm kiếm dữ liệu - bao gồm cả dữ liệu radar có thể nhìn xuyên qua các cơn bão và tán lá. Trọng tâm của chương trình, theo tài liệu ngân sách mà Reuters nhận được, đặt trọng tâm vào Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên và các nhóm khủng bố.
Cả những người ủng hộ và chỉ trích hệ thống AI "săn" tên lửa đều đồng ý rằng nó mang những rủi ro lớn, đồng thời có thể đẩy nhanh việc ra quyết định trong một cuộc khủng hoảng hạt nhân. Bên cạnh đó, nó có thể làm tăng nguy cơ gây ra các lỗi do máy tính tạo ra, kích động một cuộc chạy đua vũ trang AI giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, làm xáo trộn sự cân bằng hạt nhân toàn cầu.
Tư lệnh không quân kiêm chỉ huy các lực lượng hạt nhân Mỹ John Hyten cho biết một khi hệ thống hoạt động đầy đủ, Lầu Năm Góc cần phải suy nghĩ các biện pháp bảo vệ để đảm bảo con người – chứ không phải máy móc – mới là yếu tố kiểm soát việc ra quyết định hạt nhân.
Các chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Rand Corporation và nhiều nơi khác nói rằng có khả năng những nước như Trung Quốc và Nga sẽ tìm cách đánh lừa hệ thống và học cách giấu tên lửa của họ. Có một số bằng chứng cho thấy họ có thể thành công. Chẳng hạn công cụ phân loại hình ảnh Google nâng cao - trong đó máy tính sẽ được dùng để xác định đối tượng – bị làm cho phân tích nhầm một con rùa thành khẩu súng trường.
Ông Steven Walker, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu dự án quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA), khuyến cáo Lầu Năm Góc vẫn cần để con người xem xét lại những kết luận của hệ thống AI vì hệ thống này có thể bị đánh lừa.
"Chúng tôi không thể sai"
Trong số những người đang tích cực cải thiện hiệu quả của AI có William "Buzz" Roberts, quan chức tại Cơ quan Địa lý Quốc gia Mỹ (NGA). Ông Roberts làm việc trên tuyến đầu của chính phủ Mỹ trong việc phát triển AI, giúp phân tích hình ảnh vệ tinh – vốn là một nguồn dữ liệu quan trọng cho các "thợ săn tên lửa".
Hồi năm ngoái, NGA thống kê họ đã sử dụng AI để quét và phân tích 12 triệu hình ảnh. Cho đến nay, theo ông Roberts, các nhà nghiên cứu NGA đã có tiến bộ trong việc dùng AI để xác định sự hiện diện hoặc vắng mặt của một mục tiêu đang được quan tâm.
"Chúng tôi không thể sai... Rất nhiều những tiến bộ thương mại trong AI, máy học và tầm nhìn máy tính. Nếu một nửa trong số tiến bộ đó là đúng, vậy là tốt rồi" - ông Roberts nói.
Mặc dù một số quan chức Mỹ tin rằng các yếu tố của hệ thống AI "săn" tên lửa có thể trở nên khả thi vào đầu những năm 2020, những người khác lo ngại nỗ lực nghiên cứu hệ thống này của Washington là chưa đủ mạnh.
"Người Nga và người Trung Quốc chắc chắn đang theo đuổi những thứ như vậy và có thể nỗ lực nhiều hơn chúng ta" – Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mac Thornberry cảnh báo.
Theo hãng tin RT, một báo cáo của Lầu Năm Góc nhận định rằng quá trình thay thế trực thăng Mi-17 của Nga mà quân đội Afghanistan...