Dân Việt

Kỹ sư thủy sản về quê nuôi cá chạch lấu, mỗi năm thu 600 triệu

Kỳ Anh 25/06/2018 19:10 GMT+7
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Trần Thanh Hùng, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đã về quê nuôi cá. Hiện anh đang thành công với mô hình nuôi cá chạch lấu giống với giá bán từ 7000-9.000 đồng/con mang về nguồn thu nhập 600 triệu đồng/năm.

Anh Hùng cho biết, sau khi tốt nghiệp Khoa thủy sản Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ năm 2009, anh làm việc cho một cơ sở nuôi, ương cá giống tại quận Ô Môn. Đi làm vừa để tích lũy kinh nghiệm nuôi cá vừa có thời gian học xong chương trình liên thông đại học...

img

Anh Trần Thanh Hùng đang chăm sóc đàn cá chạch lấu giống trong một bể ương nuôi.

Sau khi học xong đại học, anh Hùng trở về quê hương phát triển kinh tế. Lúc đầu anh thuê chỗ sản xuất cá giống với loài cá rô đầu vuông và cá thát lát. Đến năm 2010 thì anh nuôi cá kiểng bán, sau đó phát triển con cá chạch lấu. Từ quy mô nhỏ thử nghiệm ban đầu, đến nay diện tích được anh Hùng mở rộng lên khoảng 5 công đất.

Hiện nay, cơ sở của anh Hùng cung cấp từ cá bột, cá giống các loại kích cỡ, nuôi cá thịt và làm cá kiểng. Đầu mối tiêu thụ tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo anh Hùng, cá chạch lấu giống khoảng 9-10cm có giá bán 7.000 đồng/con; cá từ 11-12cm khoảng 9.000 đồng/con… tùy theo kích cỡ. Trung bình mỗi kg cá giống chiếm khoảng 40-50% chi phí và tốn nhất là ở khâu thức ăn. Đối với cá chạch lấu thịt loại 3 con/kg hiện có giá từ 350.000-370.000 đồng/kg; giá bán cá chạch lấu thịt loại 2 con có giá 400.000-420.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm anh Hùng thu được khoảng 600 triệu đồng từ bán cá chạch lấu giống.

"Năm nay, tôi sẽ nuôi thêm cá chạch thịt để bán, hiện tại ao, bể đã chuẩn bị xong. Con cá chạch lấu mới phát triển mạnh khoảng 3 năm nay, nhu cầu thị trường khá cao dẫn đến khan nguồn cung. Hiện giờ tôi đã mở rộng sản xuất ra cho những người thân ở gần đây, bởi hiện tại khó đáp ứng hết nhu cầu cá chạch giống trên thị trường. Ngoài bán con giống, tôi còn hỗ trợ người dân về kỹ thuật nuôi cá chạch lấu, kinh nghiệm nuôi cá chạch lấu như mật độ thả, cách làm chỗ nuôi, xử lý nước, xử lý ao... để giúp bà con nuôi đạt tỷ lệ cao. Trong quá trình nuôi, tôi vẫn hỗ trợ cho khách hàng mọi lúc, có thể trực tiếp đến hoặc trao đổi qua điện thoại”, anh Hùng cho biết.

Anh Trần Thanh Tâm, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, vừa nuôi và giao cá giống được gần 1 năm nay. Trước đó, anh Tâm làm công nhân, phụ hồ cho các công trình xây dựng. Từ khi trở về quê học hỏi nuôi cá chạch lấu giống, anh Tâm đã ổn định cuộc sống hơn so với trước.

“Tôi lấy cá chạch lấu bột của anh Hùng rồi dưỡng lớn lên. Khi khách hàng đặt, tôi sẽ nuôi đến đúng kích cỡ theo đơn hàng rồi giao cho khách. Giờ công việc mỗi ngày của tôi nhẹ hơn thời còn đi làm thuê nhiều. Mỗi ngày chỉ chăm sóc, xem nước trong bể, cho cá ăn, theo dõi sự phát triển của cá. Nhờ anh Hùng giới thiệu mà hiện nay 6 hộ xung quanh đã ổn định cuộc sống hơn nhờ nghề nuôi cá chạch lấu. Tất cả nhờ anh Hùng hỗ trợ hết mình để mọi người cùng phát triển kinh tế”, anh Tâm nói.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, nuôi cá chạch lấu là mô hình mới phát triển trên địa bàn, có hiệu quả cao. Ngoài chăn nuôi thủy sản, anh Hùng còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ở ấp Thuận Hưng và tham gia tích cực các phong trào ở địa phương. Năm 2015, Trần Thanh Hùng đã vinh dự được nhận giải thưởng cao quý Lương Định Của do Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng. Trong những năm 2017, 2018 anh cũng liên tiếp nhận được nhiều khen thưởng từ huyện, tỉnh…