Côn đồ bãi biển lộng hành
7h sáng, bãi biển xã Phú Hải, huyện Hải Hà đã rát nắng. Hàng chục bóng người trong cái dáng liêu xiêu xiên mai (dụng cụ đào sá sùng) xuống bãi triều cạn. Khi biết chúng tôi là nhà báo, vài người bỏ làm tiến đến chỗ chúng tôi, nói lên nỗi lòng bao lâu nay chất chứa.
Bãi triều Phú Hải ngày càng bị thu hẹp diện tích khai thác tự nhiên vì sự lẫn chiếm của các ông chủ bãi nuôi nghêu, ngao. Ảnh: Nguyễn Quý.
Anh Nguyễn Văn Đông (SN 1985, ở thôn 1 xã Quảng Trung, huyện Hải Hà) bày tỏ: “Bãi triều Phú Hải này, bao năm nay người dân các vùng lân cận thuộc huyện Hải Hà chúng em vẫn ra đây làm nghề đào sá sùng, cào ngao. Nhưng khoảng từ 3 năm nay, diện tích đánh bắt tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, vì các ông chủ nuôi ngao lấn chiếm. Mới đây nhất cách đây gần 1 tháng, chính em bị một ông chủ bãi lao xe máy vào người, rồi nhảy xuống đánh đấm. Chị Nhàn, anh Cường cũng bị đánh như em vì bị cho là vào khu vực bãi của họ đào sá sùng”.
Vốn là hộ cận nghèo, một mình nuôi đứa con bị dị tật, lại không có trình độ, nghề nghiệp ổn định, từ đời ông bà truyền lại cho anh Nguyễn Văn Nguyên (thôn 1, xã Quảng Trung) cái nghề đào sá sùng trên bãi triều Phú Hải. “Trước đây chúng tôi vẫn tự do đào giun (sá sùng – PV), nhưng nay cọc, lưới giăng khắp bãi. Người ta nói là bãi đã được huyện, xã giao cho nuôi nghêu, ngao, nhưng dân ở đây đều biết là giao 1 thì họ lấn chiếm 10. Nếu vào đó khai thác thì chúng tôi phải nộp cho họ một nửa sản phẩm, hoặc chấp nhận bán với giá rẻ. Ai vào đào “chui” sẽ bị đánh ngay!” – Anh Nguyên than.
Nhiều người dân xã Phú Hải vẫn còn sợ sệt khi tố cáo bị chủ bãi cho người hành hung, bắt nộp "tô". Ảnh: Nguyễn Quý.
Cùng người dân đi dọc bãi triều Phú Hải, chúng tôi chứng kiến hàng trăm ha ô, bãi đã được cắm cọc, quây lưới và những chòi canh được dựng lên để nuôi ngao, nghêu. Theo một số người dân, thì những ngày này lẽ ra trên bãi triều phải có hàng trăm người dân đào sá sùng vì thời điểm này đang vào những ngày nước kém.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, khu vực bãi triều dành cho khai thác tự nhiên ngày càng bị thu hẹp do các hộ nuôi ngao, nghêu lấn chiếm với diện tích lớn. Nhiều người đã phải bỏ bãi đi khai thác tại Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái. Một số người chấp nhận vào khu vực các ao, bãi đã được cắm cọc, quây lưới , theo kiểu ăn chia 50/50 với chủ các bãi.
Cần sớm trả lại bãi triều cho dân
Nhiều người dân xã Phú Hải bức xúc: Việc một số người dân tự ý lấn chiếm bãi triều khu vực dành cho người dân khai thác tự nhiên để thu tiền theo kiểu “thu tô” diễn ra nhiều năm nay, chúng tôi cũng đã kiến nghị rất nhiều lần đến các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết.
Hiện nay, giá sá sùng tươi từ 170.000-200.000 đồng/kg thì mỗi ngày các chủ bãi thu bất chính hàng chục triệu đồng. Thực tế, trong khu vực bãi triều lấn chiếm trái phép, phần lớn các chủ bãi không thả nuôi ngao, nghêu mà chỉ quây lưới lấn chiếm rồi thu tiền của người dân.
Trước sự việc trên, Ông Phạm Văn Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Hải trả lời Dân Việt: Hiện tại xã đã cùng với đoàn công tác của huyện kiểm tra lại, thống kê số hộ, diện tích lấn chiếm, con giống, sau đó sẽ báo cáo để huyện chỉ đạo tiếp. Theo quy hoạch từ năm 2007, diện tích nuôi trồng thủy sản trên bãi triều của xã Phú Hải là 410,6ha, Hiện tại, trên địa bàn xã có 64 hộ nuôi trồng thủy sản trên vùng bãi triều với diện tích 213,45ha, trong đó có 45 hộ nuôi trồng trong vùng quy hoạch với diện tích 184,5ha.
Hàng trăm ha ô, bãi đã được cắm cọc, quây lưới và những chòi canh được dựng lên để nuôi ngao, nghêu. Nhiều hộ không nuôi nhưng cũng không cho phép người dân vào đào sá sùng, hoặc muốn vào phải nộp "tô". Ảnh: Nguyễn Quý.
Khi được hỏi số diện tích lấn chiếm bãi triều, qua khảo sát thực tế là bao nhiêu, ông Minh ấp úng: “Cũng phải rơi vào tầm 50-70ha. Việc lấn chiếm này không phải mới, mà phát sinh từ năm 2010, đến nay đã lan rộng ra. Việc đo cụ thể lấy số liệu này phụ thuộc vào nhiều yếu tố (con nước, độ dài, rộng của bãi triều), nên con số không được chính xác lắm (?). Chúng tôi đang tiếp tục rà soát kỹ lại”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, diện tích bãi triều do các hộ nuôi ngao, nghêu lấn chiếm là lớn hơn rất nhiều so với con số mà Chủ tịch UBND xã Phú Hải đưa ra.
Được biết, trước tình trạng lấn chiếm bãi triều trái phép của một số hộ nuôi ngao, nghêu tại khu vực bãi triều xã Phú Hải, người dân khai thác sá sùng tự nhiên tại khu vực này đã nhiều lần kiến nghị lên xã, lên huyện. Nhất là thời gian gần đây, hàng chục người dân đã kéo lên trụ sở UBND huyện Hải Hà đòi bảo về quyền lợi. Trước đó, huyện, xã cũng đã tổ chức kiểm tra, tiến hành nhổ cọc, cắt lưới đối với một số bãi lấn chiếm trái phép. Nhưng theo phản ánh, ngay sau khi lực lượng chức năng chưa kịp rời khỏi bãi triều thì các chủ bãi lại cắm cọc, quây lại bãi trái phép.
Trao đổi với Dân Việt, bà Vi Ngọc Bích, Bí thư Huyện ủy Hải Hà khẳng định: "Ngày 23.6 vừa qua tôi đã đi kiểm tra thực tế để cùng với nghe báo cáo sẽ có phương án cụ thể. Tôi khẳng định huyện rất rõ ràng trong việc diện tích nào giao cho dân nuôi trồng theo quy hoạch, diện tích nào dành cho khai thác tự nhiên. Trước ý kiến của người dân, chúng tôi đã thành lập tổ công tác của huyện, giao cho đồng chí Thái Phó chủ tịch UBND làm tổ trưởng cùng các ngành chức năng của huyện và UBND xã Phú Hải tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ mốc giới trước đây đã cắm; rà soát toàn bộ số hộ được giao, số hộ lấn chiếm để có báo cáo cụ thể với Thường vụ Huyện ủy. Về quan điểm là phải trả lại bãi tự nhiên cho dân". |