Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, tính đến trưa nay 25.6, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất đã khiến 24 người chết, mất tích và bị thương.
Trong số nạn nhân bị chết và mất tích, có 8 người chết do mưa lũ (Hà Giang: 2 người chết do sập nhà; Lai Châu: 6 người chết do lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá); 11 người mất tích ở Lai Châu do lũ cuốn trôi; 5 người ở Lai Châu bị thương...
Nhiều ngôi nhà ở Lai Châu chìm trong biển nước.
Mưa lũ cũng khiến hàng trăm ngôi nhà bị thiệt hại do ngập sâu trong nước, trong đó 47 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi; 264 nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp; 525 nhà bị ngập nước. Có 391ha lúa và hoa màu bị mất, thiệt hại.
Về giao thông, các tuyến quốc lộ 4D, 279 từ Lào Cai đi Lai Châu bị sạt lở, hư hỏng. Một số tuyến tỉnh lộ thuộc Lai Châu bị sạt lở gây tắc nghẽn giao thông: Tỉnh lộ 128 đoạn Chăn Nưa - Sìn Hồ qua xã Làng Mô; đường Làng Mô - Tủa Sín Chải; đường Mường Mô - Mường Tè.
Tổng thiệt hại ước tính hơn 76,6 tỉ đồng (Hà Giang: 10 tỉ đồng, Lai Châu: 60 tỉ đồng, Thái Nguyên: 0,4 tỉ đồng, Lào Cai: 6,3 tỉ đồng).
Tới đây, chúng ta sẽ còn nhìn thấy rất nhiều bản báo cáo thiệt hại như thế này, bởi sau Hà Giang, Lai Châu, lũ lụt, thiên tai rồi sẽ tìm đến miền Trung và nhiều nơi khác trong cả nước như đã và đang diễn ra trong thời gian qua.
Thực tế nhiều năm trở lại đây, thiên nhiên “trả đũa” con người bằng lũ lụt, thiên tai với tần suất ngày càng cao và thiệt hại về con người, tài sản… ngày càng khủng khiếp. Và những người nghèo vô tội luôn là những đối tượng đầu tiên phải hứng chịu, phải trả giá bằng cả mạng sống trước những cơn cuồng nộ của “Mẹ thiên nhiên”.
Thủ phạm gây ra thiên tai, ai cũng biết đương nhiên không phải là “Mẹ thiên nhiên” mà chính là nạn phá rừng lấy gỗ, phá rừng làm thủy điện, phá rừng làm dự án...
Một tuyến đường ở Lai Châu sạt lở nghiêm trọng.
Một sự trùng hợp thú vị là đề thi trung học phổ thông quốc gia môn Ngữ văn sáng nay có câu dẫn thơ Nguyễn Duy (bài “Đánh thức tiềm lực”, viết từ những năm 1980 của thế kỷ trước) rằng: “Lúc này ta làm thơ cho nhau/ Đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt/ Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ Tiềm lực còn ngủ yên…”.
Và câu hỏi của đề thi là quan điểm tác giả trong hai câu thơ trên (Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ Tiềm lực còn ngủ yên) có còn phù hợp thực tiễn ngày nay?
Nếu là thí sinh, câu trả lời của tôi sẽ là không còn phù hợp nữa, bởi đất nước chúng ta đến thời điểm này biết lấy đâu ra tiềm lực nữa mà ngủ yên với thức tỉnh?
Vấn đề “phù hợp” bây giờ là bằng mọi giá, bằng mọi cách chấm dứt ngay việc phá rừng và những hoạt động, dự án liên quan ảnh hưởng đến rừng.
Chính phủ từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bây giờ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần đóng cửa rừng, nhưng rừng vẫn cứ liên tục chảy máu bất chấp lệnh cấm. Quan chức vẫn cứ xây dựng những biệt phủ bằng gỗ rừng, thậm chí nhiều nơi kiểm lâm, biên phòng vẫn tiếp tay cho lâm tặc phá rừng như ở Đắc Lắc vừa qua là một ví dụ.
Xem ra chỉ đóng cửa không thôi thì vẫn chưa đủ. Mà chúng ta phải quyết liệt hơn bằng cách cấm luôn việc sử dụng gỗ rừng tự nhiên.
Và Nhà nước, đặc biệt là quan chức phải là những người đi đầu, làm gương trong việc không sử dụng gỗ rừng tự nhiên thì may ra mới làm dịu được những cơn “giận dữ” và “trả đũa” của “Mẹ thiên nhiên” dù đã quá muộn.
Nếu gỗ rừng tự nhiên vẫn được sử dụng hợp pháp thì việc phá rừng sẽ vẫn tiếp diễn, dù cửa rừng có bị đóng hay không. Và chắc chắn những con số người chết, mất tích, thiệt hại nhà cửa, hoa màu… vì lũ lụt, thiên tai sẽ còn tiếp tục hiển hiện ngày một nhiều hơn trong những bản báo cáo.