Không chỉ nước mắm Phú Quốc, nhiều doanh nghiệp lo lắng phải thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất, dù đã được bảo hộ ở nhiều thị trường lớn, vì quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng vào chế biến thực phẩm, theo như yêu cầu của Nghị định 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong chế biến thực phẩm.
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp ngành thực phẩm đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong chế biến thực phẩm.
Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng các vi chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có Nghị định sửa đổi, thay thế chính thức Nghị định 09 như chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ khiến doanh nghiệp “đứng ngồi không yên”.
Quy định phải bổ sung iot vào chế biến thực phẩm khiến nhiều doanh nghiệp "đứng ngồi không yên". Ảnh: Nguyên Vỹ.
Tại hội thảo “Trao đổi một số thông tin và đánh giá tác động của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm”, tổ chức chiều nay ở TP.HCM, chuyên gia dinh dưỡng Vũ Thế Thành, thông tin, các chất vi lượng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người.
Trong đó, iot để tổng hợp hormon tuyến giáp, vi chất này ảnh hưởng tới phát triển trí não con người. Thiếu hay thừa iot đều có vấn đề. Trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú là các đối tượng có nhu cầu nhiều hơn cả.
Thế nhưng, có sự bất cập trong việc bổ sung iot vào thực phẩm ở Việt Nam. Cụ thể, nước ta có bờ biển dài hơn 3.000 km nhưng mức độ thiếu iot chưa được làm rõ ở từng khu vực, vùng, miền như miền núi và miền biển. Thay vào đó, mức độ thiếu iot bị “đánh đồng”, từ đó, ép các doanh nghiệp phải bổ sung vào chế biến thực phẩm là điều là bất hợp lý.
Ông Thành cho rằng, cần làm rõ khu vực nào thiếu thì cần bổ sung, vì nếu cào bằng chỉ tiêu ở tất cả các vùng, miền rồi áp dụng lên nhà sản xuất sẽ tạo ra thế cạnh tranh không công bằng cho các doanh nghiệp.
Cũng theo ông Thành, các gia đình Việt Nam dùng nước mắm phổ biến hơn là dùng muối. Tuy nhiên, nước mắm truyền thống khi cho thêm iot sẽ bị đổi màu, đổi vị. Chưa kể, hàm lượng iot rất dễ thất thoát trong bảo quản và chế biến do ánh sáng…
Trong khi đó, việc bổ sung iot vào muối đơn giản hơn, vì không khiến sản phẩm bị hư, người tiêu dùng cũng không ăn nhiều muối, ngoài ra trong muối còn có thể bổ sung thêm cả sắt, kẽm… Một tấn muối ăn có thể bổ sung 57gram iot, nhưng phải tùy mức độ thiếu vi chất này ở từng khu vực, vùng miền mà có chế độ bổ sung hợp lý.
Người Việt Nam sử dụng nước mắm nhiều hơn muối, tuy nhiên, nếu bổ sung iot vào nước mắm sẽ khiến sản phẩm đổi màu, đổi vị, khó cạnh tranh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, cũng cho biết, iot rất dễ bay hơi trong môi trường tự nhiên. Trong khi đó, sản phẩm nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ quy trình sản xuất ở châu Âu, nếu áp dụng Nghị định 09, doanh nghiệp phải thêm iot vào nước mắm sẽ khiến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng cả màu, mùi, vị từ đó ảnh hưởng đến giá trị kinh tế, không đúng với các quy định của sản phẩm đã được bảo hộ.
Hậu quả kéo theo là sẽ khó xuất khẩu được sản phẩm vào thị trường khó tính. Chưa kể, nếu bổ sung vi chất, sản phẩm sẽ khó cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu. Hơn nữa, trong nước mắm Phú Quốc đã có một phần iot từ lượng muối dùng để ủ chượp.
Ông Lâm Bá Nhĩ, Giám đốc quản lý chất lượng Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN), cho rằng, nhiều sản phẩm chế biến đã qua công nghệ xử lý nhiệt độ cao, thì iot đưa vào bị phân hủy hết, mất tác dụng và sản phẩm cuối cùng không còn tồn dư iot.
Còn nước mắm, nước chấm nếu bổ sung iot vào sẽ gây biến đổi màu, mùi, mất khả năng chống oxy hóa, không đảm bảo chất lượng như đã tự công bố. Mặt khác tạo thêm rào cản không cần thiết ở góc độ thương mại do hàng hóa sẽ phải thay đổi nguyên liệu nếu trong thành phần thực đó có chứa muối.
Do đó, đại diện Vissan đề nghị Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định 09/2016, theo hướng chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng muối có bổ sung iot.
Nước mắm Phú Quốc cũng lo không đảm bảo quy trình đã được bảo hộ ở Châu Âu nếu phải thêm iot vào sản phẩm. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban An toàn Thực phẩm TP.HCM, thông tin, thời gian qua, Bộ Y tế đã có quyết định ngừng thanh tra đối với vấn đề bổ sung iot vào sản phẩm thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, cần có một văn bản pháp lý chính thức.
Theo bà Lan, hiện nay, công tác hậu kiểm chất lượng sản phẩm ở TP.HCM rất khó khăn, đã có hơn 11.000 doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm theo Nghị định 15/NĐ-CP/2018 của Chính phủ, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Việc chậm trễ trong việc sửa đổi Nghị định 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong chế biến thực phẩm càng khiến Ban khó khăn hơn trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong việc tự công bố chất lượng.
“Chính phủ đã ra Nghị quyết 19, yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 trước đó, vấn đề hiện nay là “trên bảo dưới không nghe”, chưa kể, việc ra Nghị định thì gấp gáp nhưng rút lại thì phải trình rất mất thời gian, ảnh hưởng lớn đến cả cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý cấp địa phương”, bà Lan nêu ý kiến.
Ngày 15.5.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và các năm tiếp theo. Trong đó, tại điểm b khoản 15 mục III, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế “nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nghị định 09/2016 ngày 28.1.2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm theo hướng: (i) bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iot” tại điểm a khoản 1 điều 6; (ii), bãi bỏ quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường kẽm và sắt” tại điểm b khoản 1 điều 6. Thay vào đó chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng. Nhưng thực tế cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có nghị định sửa đổi, thay thế chính thức Nghị định 09 như đã chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết 19/2018 của chính phủ vừa ban hành để sớm giải quyết khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. |