“Chưa phát hiện được”
Sau khi nghe thông tin trên từ Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TĂCN), đích thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Chăn nuôi phải lập tức vào cuộc để kiểm tra nhóm chất cấm này.
Nhiều người chăn nuôi sử dụng chất Beta agonist để tăng trọng và làm đẹp thịt lợn (ảnh minh hoạ). |
Trao đổi với NTNN chiều qua (7.12), ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường cùng 6-7 tỉnh lân cận Hà Nội đi kiểm tra nhiều cơ sở ngay trong ngày 7.12, nhưng vẫn chưa thể phát hiện được việc buôn bán, kinh doanh nhóm chất này”.
Theo ông Dương, các nhà máy, cơ sở sản xuất TĂCN không sử dụng loại chất này, mà chủ yếu nó được sử dụng ở các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
“Việc buôn bán các chất này rất tinh vi, lén lút như kiểu buôn ma túy, bởi thực chất, loại thuốc này chỉ là một gói bột trắng nhỏ, nên việc bắt được quả tang là vô cùng khó khăn. Chúng tôi đang tính tới việc phải đi “vồ” ở các điểm giết mổ lợn may ra mới bắt được” - ông Dương phân trần.
Tuy vậy, sau khi nghe thông tin chính phóng viên Báo NTNN đã phát hiện chất Beta agonist được bán ở một cửa hàng kinh doanh TĂCN ở Hưng Yên, ông Dương nói: “Có lẽ chúng tôi sẽ phải thay đổi hình thức kiểm tra, chứ cứ đi thành đoàn như thế này không thể nào phát hiện được, và cần phải có sự phối hợp với lực lượng công an và cả báo chí nữa”.
Cửa hàng thuốc thú y Hiếu- Suốt (Hưng Yên). |
Về tác hại của loại chất này, ông Dương thừa nhận: “Đúng là ở trong nước đã xuất hiện nhóm chất này, được nhập lậu chủ yếu từ Trung Quốc sang. Đây là một loại chất bị cấm sử dụng tuyệt đối, vì lợn ăn vào sẽ bị dãn phế quản, tăng tích lũy tỷ lệ thịt nạc. Còn khi con người ăn phải thịt lợn có sử dụng chất này với số lượng lớn, lâu dài nhẹ thì bị run tay, nặng có thể suy tim và ung thư”.
Đã cảnh báo từ lâu
Trong khi đó, ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cũng khẳng định: “Qua kết quả kiểm tra 55 mẫu TĂCN, chúng tôi không phát hiện thấy mẫu nào có chứa nhóm chất Beta agonist, kết quả phân tích đều âm tính”.
Phản bác lại thông tin này, ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội TĂCN khẳng định: “Trên thực tế, chúng tôi đã phát hiện nhóm chất Beta agonist này từ năm 2003-2005 và đã cảnh báo đến Bộ NNPTNT, nhưng do sợ trách nhiệm, nên các cơ quan chuyên môn đã không thừa nhận, từ đó dẫn đến không có biện pháp để ngăn chặn, nên nó mới xuất hiện tràn lan như hiện nay”.
Ông Lịch giải thích thêm: “Beta agonist thực chất là sự tổng hợp của 2 loại chất Clenbuterol và Salbutamol là những chất rất độc, lợn ăn vào sẽ không tiêu hóa hết, mà vẫn tồn dư trong thịt sau khi giết, mổ. Khi con người ăn phải sẽ rất nguy hiểm, đàn bà thì mọc râu, lông nách, còn đàn ông thì bị biến tính”.
Theo ông Lịch, chất Beta agonist chủ yếu được các lái lợn mua để cho lợn hơi ăn nhằm làm tăng tỷ lệ nạc và đỏ thịt. Để bắt được là rất khó, muốn phát hiện được, chúng ta cần thông qua con đường kiểm nghiệm thịt lợn (chất này tồn dư trong thịt), mà trách nhiệm ở đây thuộc về Bộ Y tế.
“Thực tế thì các cơ quan chuyên môn của chúng ta không kiểm tra được, chứ không phải là không có chất Beta agonist trôi nổi trên thị trường hiện nay” - ông Lịch nói.
Thủ phạm gây nhiều bệnh nguy hiểm
Theo ông Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng VN, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm: Beta agonist là một nhóm thuốc “tăng trọng”, có tác dụng làm tăng hàm lượng protein, kích thích tăng trưởng động vật nhờ quá trình chuyển hóa hàm lượng mỡ tích tụ thành các mô cơ ở vật nuôi. Người sản xuất ham lợi nhuận có thể trộn vào thức ăn nhằm tăng cân, tăng nạc cho gia súc, gia cầm.
Các chất độc trong Beta agonist tồn dư trong thịt rất nhiều, đặc biệt là ở gan, thận. Người ăn phải thịt chứa chất này sẽ có khả năng đột biến ADN, gây ung thư và các bệnh tim mạch, tổn hại hệ thần kinh, có thể gây dị dạng ở thai nhi hoặc sẩy thai... “Thật lạ là Bộ NNPTNT đã ban hành quy chuẩn về trồng rau sạch từ rất lâu rồi mà vẫn chưa có quy chuẩn chung về thịt sạch”- TS Đáng nói.
Diệu Linh
Ngọc Lê