Dân Việt

Bài học từ hành động “lêu lêu” lúc nhỏ và thái độ vô cảm khi trưởng thành

Lệ Thu 02/07/2018 14:21 GMT+7
Ở một số trường mầm non, hiện tại “lêu lêu” vẫn là cách các cô giáo dạy thế hệ mầm non khi có một bé nào đó làm sai điều gì.

Có bao giờ bạn tự hỏi: “Từ khi nào nhìn thấy người đi đường bị ngã bạn phóng xe vụt qua? Thấy chuyện bất bình trong cuộc sống bạn né tránh? Thấy một ai đó làm chuyện gì ngốc nghếch bạn không những không can ngăn còn sẵn sàng buông câu nói “Ngu thì chết chứ bệnh tật gì đâu?”. Và bạn có biết, bài học lúc thơ bé, thái độ của người lớn sẽ theo bạn đi suốt cả cuộc đời....Nếu một ngày nào đó, bạn không chợt nhận ra và thay đổi thái độ với cuộc sống này.

img

Trong số đám đông mà đôi lúc được gọi “tâm lý đám đông” dường như chỉ có sự hùa vào (Ảnh minh họa)

Khi tôi học mẫu giáo, đa số các giáo viên của tôi đều dạy: “Con lêu lêu bạn kia đái dầm đi. Từ lần sau không đái dầm nữa nhé, không các bạn lêu lêu đấy”.

“Lêu lêu có đứa nghịch bẩn” hay “Lêu lêu bị điểm kém”....

Cho đến tận bây giờ, khi tôi đã là một sinh viên đại học, câu “lêu lêu” vẫn còn đó. Nhưng đó là với cháu tôi. Ở một số trường mầm non, hiện tại “lêu lêu” vẫn là cách các cô giáo dạy thế hệ mầm non khi có một bé nào đó làm sai điều gì.

Năm tôi học lớp 2, cô em họ do không kịp tháo chiếc thắt lưng da nên đã tè dầm ra quần. Khi đó, tôi lêu lêu. Bà nội tôi quát: “Sao con dám lêu lêu em. Con mà đi mách ai chuyện em tè dầm bà sẽ phạt con”. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi được dạy cách không sử dụng từ “lêu lêu” khi ai đó làm sai điều gì.

Đôi khi chúng ta quên mất một điều, những cái gì trở thành thói quen, ăn sâu vào tiềm thức sẽ lớn lên cùng chúng ta rất nhanh. Khi là một đứa trẻ, tôi không được học cách bạn tè dầm thì nên làm gì? Bạn bị điểm kém phải chia sẻ nỗi buồn ra sao? Bạn bị ngã xe phải nâng bạn dậy? Tôi chỉ dung nạp vào con người mình cách chê bai, cách đứng bên ngoài mỗi câu chuyện không thuộc về mình.

Thời gian gần đây, nhiều người hay nhắc đến thói vô cảm. Thế nhưng, quay trở lại bài học khi chúng ta còn nhỏ, thói vô cảm không tự dưng mà có.

Vô cảm đến từ chính hành động và câu nói “Lêu lêu”.

Điều này, vô tình đã làm cho chúng ta thiếu sự chia sẻ. Thay vì lêu lêu một bạn bị điểm kém, tại sao chúng ta không giúp bạn tiến bộ. Thay vì thấy bạn làm sai một điều gì đó, chúng ta nên đưa ra những lời khuyên và giúp bạn nhận ra lỗi lầm.

Câu chuyện về nữ sinh ở Khánh Hòa với 1000 likes sẽ đốt trường khiến tôi giật mình. Thời điểm đó, nữ sinh này lẽ ra sẽ không dại dột đốt trường nếu không có những tiếng thách thức “Đốt đi”, thậm chí ép nữ sinh này phải thực hiện hành động đốt trường.

Câu chuyện về nữ sinh đốt trường khiến tôi liên tưởng đến câu “lêu lêu”. Chắc hẳn, nhiều người trong đoạn clip đó sẽ nghĩ: “ngu thì chết chứ bệnh tật gì đâu? Ai bảo nó dại, nó nói ra nó phải làm”...

Trong số đám đông mà đôi lúc được gọi “tâm lý đám đông” dường như chỉ có sự hùa vào, không có bất cứ một lời khuyên răn nào dành cho nữ sinh này. Điều này, đến từ sự hả hê, từ thói vô cảm, từ bản chất bên trong con người và chợt bùng phát vào bất cứ một thời điểm nhạy cảm nào.

Tôi đọc đâu đó, trong một cuốn sách người nước ngoài dạy con của họ, thay vì  dạy trẻ cách: “lêu lêu”, họ dạy trẻ cách biết chia sẻ, đồng cảm với những câu chuyện, vấn đề trong cuộc sống để tìm cách giải quyết. Hay một đứa trẻ trót bị mắc kẹt đầu qua hàng rào, người cha không hề ra tay cứu giúp, mặc đứa trẻ kêu khóc. Ông đã động viên và dạy cho đứa trẻ biết cách chiến đấu với bản thân, tự thoát ra khỏi hàng rào.

Thời đại công nghệ thông tin, internet phát triển, chúng ta đã thấy sự đổi mới phương pháp giáo dục, đã thấy những ông bố, bà mẹ lướt web để tìm những bài học hay, cách làm mới giúp đứa trẻ tư duy và phát triển.

Tôi vẫn đang chờ một thế hệ mầm non mới...không còn tiếng “lêu lêu” và quan trọng hơn là không hành động vô cảm.

Và tôi tin, cũng có những người đang có suy nghĩ giống tôi, từ bỏ hai tiếng “lêu lêu” đã ăn sâu vào tiềm thức, dần hoàn thiện bản thân để có một thái độ sống tích cực.

Kết hôn với con gái người ăn xin và cái kết bất ngờ

Bố vợ tôi là một người ăn xin, từng chịu nhiều tủi nhục, không ngờ ông thực sự là người rất giàu có.