Ấn Độ bị cho là nơi nguy hiểm nhất thế giới đối với phụ nữ.
Kết quả khảo sát trên do Tổ chức Thomson Reuters Foundation công bố dựa trên ý kiến của 550 chuyên gia về vấn đề phụ nữ.
Ấn Độ cũng là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới vì truyền thống văn hóa ảnh hưởng đến phụ nữ như các vụ tấn công acid, cắt bỏ bộ phận sinh dục, hôn nhân trẻ em và lạm dụng thể chất. Trong cuộc khảo sát cách đây 7 năm, Ấn Độ đứng thứ 4 trong danh sách này, theo CNN.
Vấn đề cưỡng hiếp và tấn công tình dục ở Ấn Độ bắt đầu thu hút sự chú ý rộng lớn vào năm 2012 khi một nữ sinh viên bị cưỡng hiếp và giết chết trên chiếc xe bus ở New Delhi. Mặc dù có nhiều phản ứng mạnh mẽ, cảnh sát Ấn Độ mỗi ngày vẫn nhận được báo cáo về khoảng 100 vụ tấn công tình dục.
Xếp thứ hai là đất nước bị chiến tranh tàn phá Afghanistan, với tình trạng bạo lực phi tình dục đối với phụ nữ tồi tệ nhất. Syria, đang trải qua cuộc xung đột đã kéo dài 7 năm, cũng được xem là đất nước nguy hiểm thứ 2 về bạo lực tình dục và tiếp cận chăm sóc y tế.
Theo khảo sát năm nay, 9 trong 10 quốc gia trên danh sách này thuộc châu Á, Trung Đông và châu Phi. Vị trí thứ 10 là Mỹ, nước phương Tây duy nhất xuất hiện trong danh sách này do hiệu ứng từ phong trào #MeToo.
Cách đây 7 năm, Thomson Reuters Foundation tổ chức một cuộc khảo sát tương tự với Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Pakistan, Ấn Độ và Somalia là 5 quốc gia nguy hiểm nhất đối với phụ nữ.
"Ba năm trước, các lãnh đạo thế giới tuyên bố sẽ loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030, cho phép họ sống tự do và an toàn, tham gia bình đẳng trong đời sống chính trị, kinh tế và cộng đồng. Dù có những cam kết này, cứ ba phụ nữ trên thế giới lại có một người phải trải qua bạo lực thể chất hoặc tình dục trong đời", tổ chức Thomson Reuters Foundation cho biết.
"Hôn nhân trẻ em vẫn còn đầy rẫy với gần 750 triệu phụ nữ và trẻ em gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi, dẫn đến việc mang thai ở tuổi vị thành niên có thể gây nguy hại cho sức khỏe, hạn chế học tập và nhiều cơ hội khác trong cuộc đời", theo Thomson Reuters Foundation.