Dân Việt

Quy định "vênh nhau", khó xử phạt hình sự việc buôn lậu thuốc lá

Khải Huyền 26/06/2018 18:30 GMT+7
Việc quy định mức vi phạm để cơ quan chức năng xử lý hình sự các đối tượng buôn lậu thuốc lá có nhiều điều “vênh nhau” khiến cơ quan quản lý thị trường không thể xử lý các đối tượng ở khung hình phạt cao nhất.

Ông Phan Hoàn Kiếm – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết, theo quy định tại điều 191, Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, các đối tượng buôn lậu thuốc lá sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi nhập lậu thuốc lá số lượng từ 1.500 bao trở lên.

Thế nhưng, trong Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 19.11.2013, được sửa đổi, bổ sung ngày tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19.11.2015 lại quy định xử phạt hình sự đối với các đối tượng buôn lậu thuốc lá từ 500 bao trở lên. Còn từ 500 bao trở xuống thì chỉ xử lý phạt vi phạm hành chính.

img

Lợi dụng sự "vênh nhau" trong Luật và các Nghị định, nhiều đối tượng buôn lậu thuốc lá chia nhỏ các lô hàng để đưa về thành phố tiêu thụ. Ảnh: T.L

Việc “chõi nhau” giữa Luật và Nghị định này khiến các cơ quan chức năng không thể áp dụng mức xử phạt cao nhất đối với các đối tượng buôn lậu. Trên thực tế, các đối tượng “cửu vạn” thường chia nhỏ các lô hàng dưới 1.500 bao thuốc lá mỗi lần vận chuyển để tránh bị xử lý hình sự khi bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Trong khi đó, thuốc lá là mặt hàng buôn lậu “dễ kiếm ăn” do gọn, nhẹ, dễ vận chuyển và có mức lợi nhuận “siêu khủng”, lên tới 350% nên các đối tượng tìm đủ cách để đối phó với cơ quan chức năng. Những thống kê gần đây cho thấy, thuốc lá lậu hiện đang chiếm gần 20% thị phần, gây thất thu khoảng 10.000 tỷ đồng tiền thuế/năm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã chuyển cơ quan điều tra 5 vụ vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu, một vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, một vụ kinh doanh hàng nhập lậu.

Cũng theo ông Kiếm, hoạt động vận chuyển, tang trữ, kinh doanh hàng nhập lậu tại TP.HCM ngày càng tinh vi. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, giá thành rẻ, nhiều chủng loại và mẫu mã sản phẩm, được vận chuyển qua đường bộ các tuyến biên giới các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Tây Nam Bộ. Sau đó, các đối tượng tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường hàng không vào thành phố để tiêu thụ.

Tại các khu vực giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh, các đối tượng đầu nậu buôn lậu thuốc lá thuê người vận chuyển là dân cư nghèo, trình độ dân trí thấp, sẵn sàng bất chấp các thủ đoạn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng,  chống lại cơ quan chức năng để đưa thuốc lá lậu vào thành phố tiêu thụ.

Các đối tượng này thường là thanh niên trẻ, sử dụng xe gắn máy với tốc độ cao, bất chấp hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, gây nguy hiểm tính mạng cho cả cán bộ và người đi đường. Chưa kể, một bộ phận giới trẻ có lối sống đua đòi, thích sử dụng chất kích thích và các loại hàng hóa bắt mắt nhưng rẻ tiền, tạo điều kiện cho hàng nhập lậu có nơi tiêu thụ.

img

Các đối tượng vận chuyển thuốc lá thường là thanh niên, dùng xe gắn máy chạy với tốc độ cao... Ảnh: T.L

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM kiểm tra 10.560 vụ, phát hiện hơn 3.000 vụ việc vi phạm, trong đó, có 463 vụ buôn bán hàng giả; 153 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; hơn 770 vụ vi phạm các quy định về nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn, quản lý hóa đơn, website bán hàng,…

Trên cơ sở đó, đã xử phạt, nộp ngân sách gần 63,6 tỷ đồng tiền phạt, tiền bán hàng hàng tịch thu và tiền thu lợi bất hợp pháp,…Trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 40,8 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán hơn 30 tỷ đồng.

Theo nhận định của Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM, 6 tháng cuối năm 2018, mức tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh, tình hình vận chuyển, chứa trữ, buôn bán hàng hóa nhập lậu và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa.

Do đó, Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường. Các đội quản lý thị trường có địa bàn giáp ranh với các tỉnh cũng tăng cường nắm tình hình, đấu tranh hiệu quả trong công tác chống vận chuyển, buôn bán hàng lậu, giả; đặc biệt là thuốc lá, pháo nổ, đường cát…