Giá cà phê hồi phục nhẹ sau phiên giảm "sốc"
Theo ghi nhận từ thị trường, trong sáng nay giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên đồng loạt tăng trở lại 200 đồng/kg so với hôm qua. Theo đó, giá cà phê tại Lâm Đồng đạt 34.900 đồng/kg; tỉnh Đắk Lắk đạt 35.600 đồng/kg; giá cà phê tại Gia Lai, Đắk Nông cùng ở mức 35.500 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xuất khẩu tại cảng TP.Hồ Chí Minh hiện giao dịch ở mức 1.546 USD/tấn (giá FOB). Còn trên sàn kì hạn hôm qua, giá cà phê tại London tăng 10 USD/tấn kì hạn giao tháng 9/2018, đạt 1.686 USD/tấn; giá cà phê giao ngay kì hạn tháng 7/2018 tăng 18 USD/tấn, đạt 1.696 USD/tấn.
Ở thị trường thế giới, nước sản xuất cà phê lớn nhất là Brazil năm nay được mùa, nên xuất khẩu cà phê của quốc gia này và một số nước như Colombia, Uganda vẫn tiếp tục tăng.
Dự báo trong 3 tháng tới của năm 2018, giá cà phê sẽ vẫn ở xu hướng thấp. Ảnh minh họa: I.T
Tại khu vực châu Á, Indonesia cũng đang vụ thu hoạch, nguồn cung tăng mạnh khiến giá cà phê thế giới giảm liên tục. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ điều này, giá cà phê trong nước giảm mạnh, hoạt động mua bán ngưng trệ do người nông dân không muốn bán cà phê ở mức giá quá thấp.
Từ cuối tháng 5/2018 đến nay, giá cà phê có lúc xuống thấp nhất ở mức 34.200 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng và cao nhất là 35.200 đồng/kg tại tỉnh Kon Tum. Xuất khẩu cũng sụt giảm, với 5 tháng đầu năm 2018, cà phê đã xuất khẩu 825.000 tấn, đạt kim ngạch 1,602 tỷ USD, giảm 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Ở châu Á, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia sản xuất cà phê lớn trong top 4 thế giới. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam xuất khẩu có đến 90% là sản phâm thô, giá trị gia tăng thấp, vì vậy, khi giá cà phê thế giới sụt giảm, ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.
Trong tháng 5/2018, xuất khẩu cà phê hòa tan đạt 41,7 nghìn tấn, trị giá 160,95 triệu USD, tăng 23,5% về lượng và tăng 19,6% về trị giá. Trong khi cà phê thô (Robusta) là chủng loại xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lên đến 605.000 tấn, đạt trị giá 1,1 tỷ USD, tăng lượng là 16,3% nhưng giá trị chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhìn toàn cảnh thị trường, cà phê Việt Nam gần như không có sức cạnh tranh ở tầm thế giới. Xét về giá trị thương mại thì cà phê Việt Nam gần như chưa tận dụng được nhiều từ thị trường của một ngành hàng khổng lồ, bởi thế giới chi khoảng 500 tỷ USD/năm cho tiêu dùng cà phê.
Trước đó, Ngân hàng Rabobank của Hà Lan đã đưa ra dự báo: Việt Nam có thể đạt sản lượng cao kỷ lục trong niên vụ 2017-2018, ước đạt 28,7 triệu bao. Sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2018-2019 có thể thậm chí còn cao hơn do La Nina có thể mang ẩm sớm đến vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, Rabobank không cho rằng thị trường Robusta toàn cầu sẽ thặng dư, xét đến nhu cầu đối với cà phê Robusta phục hồi. Nhưng giá cà phê Robusta nửa cuối năm 2018 có thể sẽ bắt đầu giảm do triển vọng sản lượng cà phê Robusta Brazil niên vụ 2019-2020 cao kỷ lục.
Giá hồ tiêu hôm nay không đổi
Sau khi giá tiêu tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) giảm thêm 1.000 đồng/kg trong cuối tuần trước (23/6), thì đến nay giá hạt tiêu nội địa tiếp tục ở mức thấp do thị trường chưa có triển vọng gì mới.
Giá tiêu tại Việt Nam cũng như các nước xuất khẩu lớn hiện vẫn ở mức thấp do nguồn cung dồi dào. Ảnh minh hoạ: I.T
Hiện giá tiêu được các doanh nghiệp và thương lái thu mua quanh mức 53.000 – 56.000 đồng/kg.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tiếp tục được ghi nhận là vùng nguyên liệu có giá thu mua cao nhất và ngược lại ở Chư Sê (Gia Lai), Đồng Nai mức thấp nhất, chỉ đạt 53.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá tiêu đen xô đã giảm liên tiếp kể từ đầu tháng tới nay do sức ép vụ mùa mới đang thu hoạch từ các nước Sri Lanka, Malaysia và Indonesia.
Báo cáo dữ liệu sơ bộ của Hải Quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu hạt tiêu 15 ngày đầu tháng 6 đạt 10.996 tấn tiêu các loại, đưa xuất khẩu 5 tháng rưỡi đầu năm 2018 lên đạt tổng cộng 120.903 tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy giá bình quân xuất khẩu giảm 10 USD/tấn so với giá bình quân xuất khẩu tháng trước.