Dân Việt

Xây dựng NTM ở TP.Hồ Chí Minh: Trao “cần câu cá”... còn nhiều hạn chế

Nguyên Vỹ 28/06/2018 14:00 GMT+7
TP.HCM phát động phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2016. Đến nay phong trào vẫn chưa thực sự kết nối hiệu quả giữa các đơn vị hỗ trợ với 56 xã NTM.

Trao “cần câu cá”...

Những năm gần đây, xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) nổi lên như một điểm du lịch nổi tiếng của TP.HCM. Việc kết nối lưới điện quốc gia hay đào tạo du lịch tại chỗ đang là những cách làm hay, hỗ trợ thiết thực cho người dân tự vận động vươn lên thoát nghèo, góp phần đổi thay bộ mặt nông thôn.

img

Nông dân huyện Củ Chi chăm sóc đàn bò sữa.  Ảnh: N.T.V

"Thời gian tới, UBND 5 huyện, và 56 xã cần khảo sát và xác định rõ nhu cầu hỗ trợ tại địa phương, tập trung thực hiện chung sức xây dựng NTM gắn với phát triển sản xuất. Đây được xem là giải pháp để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho hộ dân”.

Ông Trần Ngọc Hổ

Ông Đặng Thanh Hiền vốn là hộ nghèo xã Thạnh An. Ông kể, từ ngày có điện, du khách ra đảo ngày càng nhiều. Những người có sẵn nhà cửa rộng rãi thì sửa sang để cho thuê phòng nghỉ. “Bản thân tôi cũng vay vốn làm phòng cho thuê rồi học thêm kỹ năng du lịch để đón tiếp du khách chuyên nghiệp hơn. Cuộc sống hiện tại đã cải thiện rất nhiều” - ông Hiền nói.

Theo UBND xã Thạnh An, bắt đầu từ chủ trương hỗ trợ phương tiện sinh kế cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, Tổng Công ty Du lịch hỗ trợ đào tạo lao động tại chỗ, tổ chức lớp đào tạo cho các hộ dân kinh doanh. Các nội dung đào tạo tập trung vào các kỹ năng phục vụ du khách và quảng bá về hình ảnh du lịch trên địa bàn. Qua đào tạo, thái độ và kỹ năng của chủ cơ sở lưu trú, đặc biệt là lưu trú homestay được cải thiện, nâng cao. Từ đó, xã tiếp tục kết hợp tổ chức thêm các đợt tập huấn về du lịch cộng đồng. Nghề này đang được nhiều hộ ở Thạnh An quan tâm đầu tư.

Ông Đặng Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An kể thời gian qua, Tổng Công ty Bến Thành, Tổng Công ty Điện lực thành phố và UBND quận 1 cũng đã ký kết hỗ trợ các phương tiện sinh kế như máy may, ghe xuồng… cho người dân thuộc các xã trên địa bàn huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, các đơn vị chung sức không hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho hộ dân mà chuyển kinh phí về địa phương mua sắm các phương tiện rồi mới chuyển giao cho người dân. “Thay vì trao con cá, các đơn vị hỗ trợ trao cho người dân cần câu. Đây là những cách làm hay, hỗ trợ thiết thực cho người dân tự thân vận động thoát nghèo” - ông Sơn nói.

Còn nhiều hạn chế

Không chỉ riêng các ấp, xã mà cả huyện Cần Giờ hiện đang là điểm nhấn của phong trào chung sức xây dựng NTM. Tuy nhiên, nhìn rộng ra 5 huyện ngoại thành, phong trào vẫn còn nhiều hạn chế khi chưa thực sự kết nối được sức mạnh các bên để hỗ trợ lẫn nhau. Theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy từ năm 2016, TP.HCM có 48 đơn vị tham gia phong trào chung sức xây dựng NTM. Tính đến nay, mới chỉ có 45 đơn vị triển khai các hoạt động hỗ trợ với tổng kinh phí là 15.873 triệu đồng.

Việc tổ chức ký kết thỏa thuận chung sức xây dựng NTM giữa các đơn vị hỗ trợ với 56 xã thuộc 5 huyện còn chậm. Một số đơn vị hỗ trợ chưa thống nhất với huyện về nội dung và kinh phí hỗ trợ nên vẫn chưa tổ chức ký kết và triển khai hoạt động cho các xã.

Theo ông Trần Ngọc Hổ - Chánh văn phòng Điều phối NTM TP.HCM, hỗ trợ sản xuất được xem là giải pháp quan trọng giúp giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập nhưng các huyện, xã chưa xác định được đối tượng thụ hưởng và nội dung cần hỗ trợ cụ thể. Vì vậy, nội dung chung sức xây dựng NMT của các quận, đảng ủy cấp trên cơ sở, đặc biệt các tổng công ty chưa tập trung thực hiện nội dung này. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất chủ yếu tập trung tại huyện Cần Giờ, 4 huyện còn lại chủ yếu tập trung vào vấn đề an sinh xã hội. Thêm nữa, TP.HCM có 259 phường (thuộc 19 quận), được xem là nguồn lực hỗ trợ chung sức xây dựng NTM rất lớn đối với 56 xã. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn chưa triển khai ký kết thỏa thuận giữa các phường nội thành với các xã xây dựng NTM.