Lũ đã rút đi, song nhiều nơi ở thủ đô Bangkok, vẫn còn rất nhiều vũng nước ứ đọng – nơi cư trú lý tưởng của loài muỗi.
“Muỗi bay vo ve khắp nhà tôi, từ trên trần nhà tới các bờ tường”, chị Thanyathip Netichaiseth, 48 tuổi nói.
“Khi tôi ngẩng lên nhìn trần nhà, tôi thực sự sốc. Nó đã biến thành màu đen vì muỗi đậu san sát nhau. Muỗi đốt rất đau và buốt, và rồi vết đốt sẽ dần đỏ lên, sưng to ra, thậm chí chúng tôi có thể bị mắc bệnh truyền nhiễm”.
Với những người dân phải mưu sinh ở những nơi ẩm thấp, muỗi thực sự là nỗi kinh hoàng của họ. Chị Wannakorn Kaochartchai, 43 tuổi, làm nghề bán hoa ở một chợ trời Bangkok than thở: “Cả đời tôi chưa nhìn thấy muỗi nhiều như thế này”.
“Muỗi rất to và không biết sợ người là gì. Ở chợ cũng nhiều muỗi, về nhà cũng vậy, tôi còn biết làm gì? Tôi cố giết chúng càng nhiều càng tốt, cố xua đuổi nhưng chúng chẳng bao giờ chịu đi”.
Sự hoành hành của các loại côn trùng bao giờ cũng rất nguy hiểm, bởi đây là vật thể trung gian chủ yếu lây bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác.
Thái Lan là nước có nền kinh tế khá mạnh trong khu vực, tuy nhiên, đây cũng là quốc gia có số bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết lớn nhất Đông Nam Á trong những năm gần đây. Thậm chí, căn bệnh này đã trở thành đại dịch tại Thái Lan trong những năm: 1987, 1998 và 2001, với hơn 125.000 ca nhiễm bệnh mỗi năm.
Mặc dù sốt xuất huyết có thể điều trị được, nhưng đây là loại bệnh nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em.
Ông Pornthep Sirivanarangsan – giám đốc Cục Kiểm soát Bệnh dịch, thuộc Bộ Y tế Thái Lan, cho hay, mặc dù số lượng cá thể muỗi sau mùa lũ là vô cùng nhiều, song đây không phải là loại muỗi gây sốt xuất huyết. Vì thế, vấn đề không tới mức quá nghiêm trọng.
Ông Pornthep cũng khẳng định, Cục Kiểm soát Bệnh dịch sẽ tiến hành các biện pháp cụ thể như phun thuốc diệt muỗi để khắc phục tình hình hiện tại. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày.
Thu Thảo