Dân Việt

Mục sở thị loài cây “đa năng”, có sức chịu hạn phi thường

Nguyễn Lân Hùng 28/06/2018 07:20 GMT+7
LTS: Hiện tượng sa mạc hóa diễn ra nhanh, mạnh và ngày càng lan rộng ở các tỉnh miền Trung nước ta. Để ứng phó với thực trạng này, một trong những giải pháp hữu hiệu là trồng rừng giữ đất, giữ nước, tuy nhiên lựa chọn loại cây nào cho phù hợp lại không hề đơn giản. Báo Dân Việt giới thiệu bài viết của chuyên gia Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam xung quanh vấn đề này.

“Sa mạc” ngày càng nhiều

Tại miền Trung nước ta, hiện tượng sa mạc hóa đang diễn ra dữ dội, rất nhiều vùng đang mất dần sự sống, trơ ra những bãi cát khô kiệt, những quả núi toàn đá là đá. Cỏ cây không mọc được, thực vật không còn môi trường sống, con người cũng bó tay và lầm lũi ra đi…

img

img

Rừng neem trồng phủ xanh trên địa bàn xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Ảnh:  Sơn Ngọc

"Tôi ước mơ trên mỗi quả núi trơ trọi kia sẽ có một bảng lớn ghi tên một trường học hay một đơn vị thanh niên. Họ sẽ có trách nhiệm trồng rừng để phủ xanh quả đồi đó, như vậy miền Trung sẽ dần dần thoát khỏi nạn sa mạc hóa”.

Ông Nguyễn Lân Hùng

Hiện tượng trên ngày một lan rộng từ vùng này sang vùng khác. Đất trồng hoang hóa dần và biến thành sa mạc, đây chính là vấn đề cấp bách, sống còn với dải đất miền Trung. Chính vì thế, chúng ta cần đánh giá đầy đủ và chính xác vấn đề sa mạc hóa ở miền Trung và khẩn trương có các biện pháp thích ứng để đối phó. Một trong những giải pháp đúng đắn nhất là trả lại rừng cho miền Trung.

Chúng ta đều biết rằng, có rừng thì mới giữ được nước, có nước mới có sự sống. Dải đất miền Trung bị mất rừng nghiêm trọng và hệ quả của nó đã dẫn tới hiện tượng sa mạc hóa. Bất cứ ai nhìn hình ảnh đàn cừu còm cõi đi mót từng ngọn cỏ cũng đều xót xa, và càng xót xa hơn trước cảnh bà con nơi đây chắt chiu từng giọt nước… Do đó, để chống sa mạc hóa ở miền Trung, việc khôi phục lại những cánh rừng là việc làm cấp bách, nó quyết định cho số phận mảnh đất này, đây cũng là biện pháp hữu hiệu và bền vững nhất để giành lại sự sống cho miền Trung.

Từ lâu chúng ta đã nghĩ tới biện pháp này, rất nhiều chương trình trồng rừng đã được thực hiện, trong đó keo và bạch đàn là đối tượng tiên phong. Chúng đã được dùng để phủ xanh ở nhiều nơi, nhưng khi vào đất Ninh Thuận, Bình Thuận thì chúng không trụ được với cái nắng nóng khốc liệt ở vùng đất này.

Neem - giải pháp hoàn hảo

Năm 1981, nhà khoa học Lâm Công Định đã đưa từ châu Phi về một loài cây mới có tên là cây Neem. Nó giống như cây xoan nhưng lớn nhanh hơn, lá nhiều hơn, thân to hơn và chịu hạn giỏi hơn, người ta gọi nó là “cây xoan chịu hạn”. Ông Định đã cho trồng thử nghiệm ở tỉnh Minh Hải (cũ), bản thân tôi cũng đã từng chứng kiến những cây được trồng từ thời đó. Có cây phải 2 người ôm mới hết thân, chúng có bộ lá xanh đậm và dày đặc, tán lá xum xuê.

Điều lý thú nhất là chúng có khả năng chịu hạn phi thường, ở những nơi nóng nhất, khô nhất, trong khi các loài cây khác đều chết thì “xoan chịu hạn” vẫn sống và vươn lên xanh tốt.

Ngành lâm nghiệp đã đánh giá rất cao giá trị phủ xanh của cây Neem ở những vùng khô hạn này, từ đó Neem được trồng phổ biến trong dân. Họ trồng quanh nhà để lấy bóng mát, trồng dọc các lối đi để làm đẹp, trồng quanh vườn để chống bão cát… Ở Phước Dinh (Thuận Nam, Ninh Thuận), tôi đã thấy ngành nông nghiệp trồng cả ngàn hécta Neem trên một dải cát mênh mông, đó là một ý tưởng tuyệt vời.

Chính tôi cũng đã được tiếp cận với một tài liệu của Ấn Độ, họ đã xây dựng những nhà máy chế biến tinh dầu từ hạt Neem để làm thuốc trừ sâu thảo mộc, hiệu quả mang lại rất cao… Chỉ tiếc rằng, chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng của cây Neem để chống hiện tượng sa mạc hóa.

Với quyết tâm chống sa mạc hóa cho miền Trung, chúng tôi đã bàn với các đồng chí ở Trung ương Đoàn và lãnh đạo của tỉnh Ninh Thuận. Thật tuyệt vời vì cả 2 đơn vị này đều nhất trí với đề xuất của chúng tôi.

Chúng tôi mong muốn các chương trình “Mùa hè xanh”, “Mùa hè tình nguyện” của thanh niên sẽ tập trung vào việc phủ xanh miền Trung bằng cây Neem. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn hoàn toàn nhất trí với đề xuất của chúng tôi. Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng cũng hết sức ủng hộ. Ông cho biết tỉnh sẽ lo cây giống và địa điểm trồng. Hai bên sẽ phối hợp để mỗi năm trồng thêm được những cánh rừng mới, thu hẹp dần những nơi đang sa mạc hóa. Ông còn đưa chúng tôi lên tận những quả núi mà chỉ còn trơ lại toàn đá cuội. Ở đây, họ còn tìm ra một loại cây mới nữa. Đó là cây thanh thất có khả năng chịu hạn và phát triển tốt như cây Neem.

Trong các điều kiện cực kỳ khô hạn và nóng rát nhưng cây thanh thất vẫn len lỏi vào kẽ đá và vươn lên. Mới trồng có 2 năm mà nhiều cây đã vươn cao tới 4m. Nó còn có 1 ưu điểm nữa là không bị dê, cừu ăn mất lá. Trong điều kiện khô hạn và thiếu thức ăn, nhiều lúc dê, cừu còn ăn cả lá Neem, thế nhưng lá cây thanh thất lại không bị chúng phá hoại.