Thu nhập bình quân chỉ đạt 2,18 triệu/người
Xuất phát điểm từ địa phương trắng về các tiêu chí, sau gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay Quang Thành (Nguyên Bình, Cao Bằng) mới chỉ đạt 4/19 tiêu chí (quy hoạch; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng và an ninh).
Bà con dân tộc ở Cao Bằng tham gia mô hình sản xuất chè ô long. Ảnh: H.T
“Cao Bằng hiện nay có nhiều lợi thế, là một trong những tỉnh có khí hậu ít ô nhiễm nhất cả nước, có tài nguyên núi đồi, vì vậy tỉnh cần xác định đây là một lợi thế cạnh tranh, cần tận dụng điều này để phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp. Chìa khóa cho phát triển NTM của Cao Bằng chính là non nước Cao Bằng”. Ông Ngô Tất Thắng |
Trao đổi về những khó khăn của địa phương, ông Hoàng Quốc Chấn - Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho hay: Là xã vùng sâu vùng xa, có địa hình rừng núi phức tạp, chia cắt mạnh vì vậy đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, còn xóm chưa có điện lưới, chưa có đường giao thông đến trung tâm, trình độ dân trí không đồng đều nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế…
Diện tích sản xuất nông nghiệp của địa phương chủ yếu là ruộng bậc thang, không thể giữ lại nước, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thiên nhiên, do vậy khi thời tiết thuận lợi thì có thể canh tác được nhưng khi thời tiết bất lợi thì lại hạn hán, mất mùa.
Với mức thu nhập bình quân chỉ đạt 2,18 triệu đồng/người/năm thì thu nhập đang là một trong những tiêu chí “khó nhằn” nhất ở Quang Thành. Cả xã còn đến 280 hộ nghèo, chiếm đến 72%, từ đó đã kéo theo rất nhiều các tiêu chí khác không thể hoàn thành.
Ông Nguyễn Trung Thảo – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: Đến năm 2016 Cao Bằng vẫn còn trên 42% hộ nghèo và trên 9% hộ cận nghèo. Toàn tỉnh mới có 10 xã đạt 19 tiêu chí, 38 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 115 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, còn 14 xã đạt dưới 5 tiêu chí (bình quân cả tỉnh đạt 8,31 tiêu chí/xã), chủ yếu tập trung ở những xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn.
Cần cơ chế lồng ghép, tích hợp nguồn vốn
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, mỗi địa phương cũng có những tiềm năng, nếu biết khai thác thì đó sẽ là một thế mạnh để nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước đẩy nhanh chương trình xây dựng NTM. Theo đó, Cao Bằng có thế mạnh về du lịch với vườn quốc gia Phja Đén, thác bản Dốc, địa điểm lịch sử Pắc Bó… Do đó, Cao Bằng cũng đã tập trung vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp, với 8-10 điểm đang phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Trung Thảo – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: Để thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM, nhất là giúp các xã miền núi đạt được các tiêu chí chung theo lộ trình của tỉnh cũng như Trung ương, Cao Bằng xin đề xuất với Chính phủ, Quốc hội một số kiến nghị: Tăng nguồn lực cho các xã khó khăn, các xã biên giới và đặc biệt có cơ chế lồng ghép, tích hợp nguồn vốn các chương trình như 135, 30a vào chương trình xây dựng NTM để tạo động lực cũng như sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng miền núi nói chung và các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng để tạo động lực phát triển, phát huy thế mạnh trên địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Giải pháp chính mà Cao Bằng đang tổ chức thực hiện nhằm từng bước hoàn thành chương trình MTQG Xây dựng NTM chính là thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, trong đó lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương để tập trung phát triển. Tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Trong đó nội dung quan trọng là huy động các doanh nghiệp đầu tư vào các xã còn nhiều khó khăn.
Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng, ông Ngô Tất Thắng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cũng đã đưa ra một số tham vấn đối với công tác xây dựng NTM, đó là: Tỉnh cần tập trung nguồn lực hỗ trợ các xã đạt dưới 5 tiêu chí NTM, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã có năng lực để họ có điều kiện vươn lên, làm đầu tầu cho kinh tế địa phương.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển các sản phẩm truyền thống, tỉnh cũng cần tích cực thử nghiệm các mô hình kinh tế mới, trồng cây, con mới, hướng đến những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như táo, lê, nho Nhật Bản; môi trường, khí hậu cũng là một lợi thế cho việc phát triển chăn nuôi bò sữa, nuôi cá hồi, cá tầm…