Mặc “thẻ vàng”, xuất khẩu sang EU vẫn tăng
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu (XK) thủy sản tháng 6.2018 ước đạt 732 triệu USD, đưa khối lượng XK thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Các thị trường chính là Nhật Bản, Mỹ Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm đến 52,9% tổng giá trị XK thủy sản.
Xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU vẫn tăng dù dính “thẻ vàng”. Ảnh: I.T
Trong 5 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị XK thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (tăng 63,1%), Đức (tăng 27,7%), Hongkong (tăng 23,6%), Trung Quốc (tăng 18,7%), Anh (tăng 18,2%) và Thái Lan (tăng 18,1%).
XK khởi sắc đã giúp giá tôm nguyên liệu trong nước tăng trở lại trong tháng 6.2018. Cụ thể, tại Cà Mau, giá tôm sú loại 20 con/kg đạt 246.000 đồng/kg, tăng 6.000 đồng/kg so với tháng trước; loại 40 con/kg đạt 139.000 đồng/kg, tăng 9.000 đồng/kg so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 4.2018, XK cá tra Việt Nam đạt 611,6 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK cá tra sang Mỹ đạt 110,7 triệu USD, tăng 22,7%; XK cá tra sang EU đạt 59 triệu USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2017. Giá cá tra nguyên liệu vẫn ở mức cao 30.000 - 32.000 đồng/kg.
Đáng chú ý nhất là dù đang bị dính “thẻ vàng” từ EC nhưng kim ngạch XK nhiều mặt hàng thủy sản sang EU vẫn tăng trưởng đáng kể. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I.2018, xuất khẩu cá ngừ vào EU đạt 34,5 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Philê cá ngừ là sản phẩm XK chủ lực sang EU, chiếm tới 40% giá trị XK. Điều đó cho thấy, “thẻ vàng” chưa ảnh hưởng nhiều tới hoạt động XK thủy sản.
Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, trong thời gian phái đoàn EC sang làm việc với Việt Nam về việc khắc phục “thẻ vàng”, hai bên đều thống nhất sẽ không làm ảnh hưởng tới thị phần XK.
Nhiều tín hiệu khả quan
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá, XK thủy sản trong thời gian tới sẽ khả quan, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc khi từ ngày 1.7.2018 sẽ chính thức giảm thuế nhập khẩu từ 2-10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của Trung Quốc ngày càng cao, đặc biệt là mặt hàng cá tra, cá ngừ, tôm đông lạnh, dầu cá, cá khô, cá đóng hộp tẩm gia vị...
Đặc biệt, thuế nhập khẩu philê cá tra đông lạnh sẽ giảm từ 10% xuống còn 7%; thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh sẽ giảm từ 12% xuống 7%, tạo cơ hội cho doanh nghiệp XK vào thị trường này. Trong thời gian tới, nhiều dự báo XK thủy sản (tôm, cá tra) sang Trung Quốc sẽ tăng do chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu của nước này.
Để rộng đường XK, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản hai nước đã đề nghị Hải quan cửa khẩu Hà Khẩu cải tiến cách thức thông quan hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu này sao cho thuận tiện nhất để tận dụng kết cấu hạ tầng đã được hai nước đầu tư (đường giao thông vành đai Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh và hệ thống chợ đầu mối) nhằm đưa hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đến với thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam) được thuận lợi, không phải nhập qua các cửa khẩu khác (Nam Ninh, Bằng Tường, Quảng Tây) dẫn đến đội giá nhập, giá bán cao.
Tuy nhiên, XK thủy sản vào các thị trường truyền thống như EU, Mỹ đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến hàng rào thuế quan và kiểm dịch an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Toản - quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá, tăng trưởng XK của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như rau quả, thủy sản tương đối tốt. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị và phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra, trong thời gian tới cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm này.