Dân Việt

Tăng tốc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước

09/12/2011 10:20 GMT+7
(Dân Việt) - Chỉ đạo trên được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (2001 - 2010) diễn ra tại Hà Nội hôm qua (8.12).

Lỗ lũy kế 26.000 tỷ đồng

Đánh giá sau 10 năm đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Phó ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN, ông Phạm Viết Muôn cho biết, từ năm 2001 đến tháng 10.2011, cả nước đã sắp xếp được 4.757 DN, trong đó cổ phần hóa (CPH) 3.388 DN. Đánh giá chung cho thấy, phần lớn DNNN hoạt động có lãi. Nếu năm 2001, số DN thua lỗ và hòa vốn chiếm 60% thì đến 2010 chỉ còn 20%.

img
Các DNNN làm ăn thua lỗ sẽ tiếp tục được cơ cấu lại hoặc giải thể (ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn vào những kết quả đạt được, ông Muôn cho biết, việc sắp xếp đổi mới DNNN vẫn chưa đạt kỳ vọng. Hiện còn nhiều DN kinh doanh thuần túy mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn.

Hiệu quả hoạt động của DNNN cũng chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ, trình độ công nghệ của hầu hết các DNNN vẫn ở mức thấp. Số DN thua lỗ vẫn khá nhiều. Sự lãng phí và thất thoát nguồn lực lớn, đặc biệt trong các ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng... Một số vụ tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả lớn về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến uy tín của DNNN.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cũng nêu thực tế, 3 năm trở lại đây tốc độ CPH DNNN chỉ bằng 1/3 kế hoạch đề ra. Thực trạng hoạt động của các DNNN cũng có nhiều vấn đề.

Ông Hiếu nói: "Nếu năm 2006, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, DN bằng 1,32 lần vốn chủ sở hữu thì đến hết năm 2010 tăng lên bình quân bằng 1,67 lần vốn chủ sở hữu. Xét từng tập đoàn, tổng công ty (TCT) thì có tới 30 tập đoàn, TCT tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần; trong đó tới 7 TCT lớn trên 10 lần, 9 TCT lớn trên 5-10 lần và 14 TCT lớn trên 3-5 lần.

Một vài năm trở lại đây nhiều tập đoàn, DNNN đã rơi vào thua lỗ, như điện, hàng hải, dệt may, chè, xăng dầu, đầu tư nhà, bất động sản... Tính đến 31.12.2010, lỗ lũy kế của các DNNN này là trên 26.000 tỷ đồng.

Phải thúc đẩy nhanh cổ phần hóa

Ông Lại Văn Đạo - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, Chính phủ giao cho SCIC quản lý, kinh doanh hiệu quả vốn NN tại các DN đã CPH, song thực tế, DN đều chậm hoặc chưa chuyển giao vốn NN cho SCIC.

Tại 47 bộ và địa phương hiện còn gần 200 DN phải chuyển giao 3.000 tỷ đồng, 11 TCT đã cổ phần hóa chưa chuyển giao vốn NN 40.000 tỷ đồng. Vốn NN SCIC tiếp nhận mới chỉ chiếm 3% tổng vốn NN tại DN...; nhiệm vụ tư vấn đầu tư, tài chính, CPH tại DN do vậy chưa làm được bao nhiêu, còn nhiều DN có vốn NN chi phối hiệu quả kinh doanh kém.

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao su VN cũng nêu rằng, mặc dù CPH nhưng bộ máy vận hành của DN vẫn theo cung cách cũ, tư duy quản trị, điều hành ít được cải tiến. DN CPH xong gặp không ít phân biệt đối xử như khó tiếp cận vốn vay ngân hàng...

Ông Lê Minh Chuẩn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản VN cũng cho rằng, nếu coi mục tiêu để các tập đoàn kinh tế NN đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội thì mục tiêu kinh tế (lợi nhuận và đóng góp ngân sách) phải giảm; ngược lại nếu để các tập đoàn phát triển kinh tế đóng góp nhiều cho ngân sách thì phải tạo cơ chế thích hợp, xóa bỏ những bất cập hiện có trong kinh doanh của DNNN thì các tập đoàn mới hoạt động hiệu quả.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thì đầu tư ngoài ngành của các DNNN như vào chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư, ngân hàng lại liên tục tăng theo các năm (trừ năm 2009 do kinh tế khó khăn), năm 2006 là 6.114 tỷ đồng, đến năm 2010 là 21.814 tỷ đồng. Việc đầu tư ngoài ngành của DNNN, theo ông Hiếu "chưa vượt quy định nhưng cũng làm phân tán nguồn lực của DN và chứa đựng nhiều rủi ro, đồng thời phần nào hạn chế hiệu quả kinh doanh, phát sinh tiêu cực, gian lận".

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Phải thúc đẩy nhanh tiến trình CPH. Sau năm 2015, cả nước sẽ chỉ còn 692 DN 100% vốn NN, được tổ chức thành 44 tập đoàn, TCT; đến năm 2020 còn 17 tập đoàn 100% vốn NN và 200 DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền NN như an ninh, quốc phòng, công ích.

"Chúng ta phải tăng tốc đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý để sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực"-Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Các tập đoàn, TCT NN chỉ được kinh doanh những ngành chính và những lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho ngành chính; các lĩnh vực ngoài ngành phải thoái vốn đến năm 2015.

Thủ tướng yêu cầu, các DNNN phải rà soát, tập trung vào các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả. "Chúng ta sẽ kiên quyết cơ cấu lại hoặc giải thể, phá sản những DN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài".