Giảm ùn tắc giao thông bằng cáp treo vượt sông Hồng liệu có khả thi? (Ảnh: IT)
Tập đoàn Poma đề xuất xây dựng cáp treo với điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chạy qua sông Hồng nối với điểm cuối là bến xe Gia Lâm (quận Long Biên, Hà Nội). Tổng chiều dài 5km, trong đó có 1,2km vượt sông Hồng. Các trụ đỡ có chiều cao 50-100m. Mỗi cabin có sức chứa 25-30 người, Theo giả thuyết tính toán của tập đoàn này, với thiết kế của hệ thống cáp treo, trung bình mỗi giờ sẽ vận chuyển được khoảng 7.000 lượt khách.
Đề cập đến phương án và thời gian triển khai, đại diện Tập đoàn Poma cho hay, do cơ bản không phải giải phóng mặt bằng, không vướng các công trình ở mặt đất nên với chiều dài từ 4 - 5km, nhà đầu tư cho biết, sau khi cơ quan chức năng đồng ý, nhà đầu tư sẽ triển khai dự án trong vòng từ 12 đến 24 tháng.
Cũng theo nhà đầu tư này, xét về nhu cầu vận chuyển và phương án xây dựng, đề xuất trên rất sát thực tế và khả thi. Tuy nhiên, đến nay chưa bên nào đưa ra được phương án tài chính và vận hành cụ thể.
Trước những đề xuất này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết: Hiện tại Sở GTVT đang nghiên cứu, xem xét các nội dung liên quan đến đề xuất này để báo cáo UBND thành phố.
“Doanh nghiệp này đã làm cáp treo trên địa bàn Việt Nam rất nhiều. Ý tưởng đưa ra thì chúng tôi cũng ghi nhận. Tất nhiên trong quá trình, sẽ còn phải nghiên cứu, xem xét tất cả các nội dung và phải có báo cáo thành phố về tất cả nội dung liên quan. Đến thời điểm này mới ghi nhận đề xuất của đơn vị”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, nhà đầu tư mới chỉ đưa phương án để xin chủ trương nên chưa có các phương án tài chính cụ thể. "Những năm gần đây, ùn tắc tại Hà Nội có giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Hà Nội cũng nhận được rất nhiều đề xuất về các phương án giảm ùn tắc khác. Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội đều phải nghiên cứu kỹ để đánh giá mức độ phù hợp mới cho triển khai vào thực tế. Về giải pháp xây cấp treo vượt sông Hồng, đây có thể là giải pháp hiệu quả ở một số nước, nhưng quan trọng phải phù hợp với điều kiện của Hà Nội", ông Tuấn nói.
Trước những đề xuất này của một tập đoàn ở Pháp, nhiều chuyên gia giao thông bày tỏ lo ngại bởi phương án này sẽ không phù hợp với giải quyết bài toán giảm ùn tắc giao thông, thậm chí còn làm ùn tắc thêm ở hai đầu cầu cáp treo.
“Hiện ở Việt Nam có rất nhiều tuyến cáp treo nhưng chỉ phục vụ cho các điểm du lịch, trong đó công nghệ của Pháp được đánh giá là chi phí sản xuất rẻ nhưng sử dụng bánh răng nên khi hoạt động gây ra tiếng ồn. Quan trọng của cáp treo là công nghệ và lưu lượng người sử dụng. Hiện có nơi sử dụng công suất 2.000 người/giờ với cabin từ 6-9 người, có nơi sử dụng công suất lớn hơn 5.000-7.000 người/giờ với cabin lên tới 30 người, gần bằng lượng người của 1 xe buýt”, ông Bùi Mai Lâm – Công ty cổ phần vận tải Du lịch Hương Sơn (Mỹ Đức – Hà Nội) phân tích.
Trao đổi với Dân Việt, hầu hết các chuyên gia đều băn khoăn về phương án xây dựng cáp treo vượt sông Hồng do thói quen của người dân vẫn sử dụng phương tiện chính là xe máy. Sau khi đi qua sông Hồng bằng cáp treo thì họ sẽ về nhà bằng phương tiện gì? Người đi xe máy sẽ phải gửi xe ở 2 đầu cáp treo còn người đi phương tiện công cộng như xe buýt thì tiếp tục phải bắt thêm một tuyến xe khác ở 2 đầu của cáp treo để về nhà là chưa khả thi.