Từ người của VNPT thành lãnh đạo MobiFone
Từng học đại học rồi lấy bằng Thạc sĩ Viễn thông tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ông Lê Nam Trà bắt đầu sự nghiệp với công việc kỹ sư vô tuyến điện. Sau đó, ông Trà phục vụ trong quân đội với chức danh sỹ quan chỉ huy chuyên ngành vô tuyến điện tiếp sức.
Năm 1989, ông Trà đầu quân cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và làm việc ở đây trong vòng 6 năm. Tới năm 1994, ông được phân công về Công ty Viễn thông Di động – VMS (tiền thân của MobiFone). Từ đó cho tới năm 2014, ông Lê Nam Trà đã trải qua nhiều chức vụ khác nhau tại VMS như phó phòng đầu tư hạ tầng, trưởng phòng, Phó giám đốc và Giám đốc Trung tâm MobiFone II.
20 năm làm việc tại Trung tâm II MobiFone chính là khoảng thời gian ông Lê Nam Trà tạo dấu ấn của mình tại MobiFone khi giúp nhà mạng này duy trì vị thế dẫn đầu tại thị trường TP.HCM, thị trường có tính cạnh tranh khốc liệt nhất tại thị trường viễn thông di động Việt Nam.
Ngày 21.4.2015, ông Lê Nam Trà chính thức làm Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone (Ảnh: I.T)
Ngày 12.8.2014, ông Lê Nam Trà được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc MobiFone theo Quyết định 1151/QĐ-BTTTT thay cho ông Mai Văn Bình. Cuối tháng 12.2014, ông kiêm nhiệm chức chủ tịch MobiFone thay người tiền nhiệm nghỉ hưu và tới ngày 21.4.2015, ông chính thức làm Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, còn ông Cao Duy Hải khi đó mới đảm nhiệm vị trí Giám đốc VinaPhone chưa đầy một năm đã được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty MobiFone thay ông Trà.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 3 năm sau, Bộ TT&TT đã công bố quyết định điều chuyển Chủ tịch HĐTV Tổng công ty MobiFone Lê Nam Trà về công tác tại Văn phòng Bộ. Quyết định có hiệu lực từ ngày 6.6.2017. Ông Lê Nam Trà chính thức rời MobiFone sau hơn 20 năm gắn bó.
Các nhiệm vụ của Chủ tịch HĐTV Tổng công ty và các nội dung thuộc công tác của Bí thư Đảng ủy và một số các công việc đang triển khai của Đảng ủy Tổng công ty đã được ông Lê Nam Trà bàn giao cho cho ông Cao Duy Hải – Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Tổng công ty.
Lợi nhuận giảm sút
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của MobiFone trong giai đoạn có sự tham gia điều hành của ông Trà, tính từ thời điểm ông Lê Nam Trà trở thành Tổng giám đốc MobiFone vào tháng 8.2014, một vấn đề mà các nhà đầu tư dễ nhận thấy là dù MobiFone có tăng trưởng về doanh thu nhưng lợi nhuận đã sụt giảm trong 2 năm liên tiếp 2015 và 2016.
MobiFone dù có tăng trưởng về doanh thu nhưng lợi nhuận đã sụt giảm trong 2 năm liên tiếp 2015 và 2016, khoảng thời gian ông Lê Nam Trà làm TGĐ rồi Chủ tịch HĐTV MobiFone (Ảnh: I.T)
Năm 2014, MobiFone thông báo doanh thu đạt 34.088 tỷ đồng đạt 98% kế hoạch giao, lợi nhuận công ty mẹ lả 7.318 tỷ đồng, tăng 18 tỷ đồng và đạt 100,3% kế hoạch. Tuy nhiên, cả hai con số này sau đó đều phải điều chỉnh hồi tố theo biên bản Kiểm toán Nhà nước, doanh thu chỉ còn hơn 28.420 tỷ đồng, còn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 7.227 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.255 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 4.964 tỷ đồng.
Tới năm 2015, MobiFone tiếp tục phải điều chỉnh hồi tố số liệu trên báo cáo tài chính của mình các quyết định của Cục thuế Thành phố Hà Nội và Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ TT&TT. Dù doanh thu tăng lên 31.387 tỷ đồng, song lợi nhuận trước thuế giảm xuống còn 7.098 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 5.441 tỷ đồng.
Năm 2016, doanh thu của MobiFone tăng 11,75% so với năm 2015, đạt 35.078 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm 27%, từ 7.098 tỷ đồng 5.205 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của MobiFone năm 2016 thậm chí còn giảm hơn 1.200 tỷ so với năm 2015, chỉ còn 4.223 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ của MobiFone, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu đã giảm dần từ mức 60% của năm 2015 xuống còn 46% ở quý I.2017. Trong cơ cấu tổng nợ phải trả của MobiFone chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Năm 2016, nợ phải trả của MobiFone nằm chủ yếu ở khoản phải trả người bán ngắn hạn, khoảng 5.492 tỷ đồng, chiếm 55% tổng nợ.
Về nợ xấu, tổng giá trị các khoản phải thu của MobiFone đã tăng dần, từ 312,8 vào năm 2014 lên 373,79 tỷ đồng trong năm 2015 và 435,8 tỷ đồng vào năm 2016. Trong đó giá trị có thể thu hồi lại giảm dần qua từng năm, từ 98,7 tỷ vào năm 2014 xuống 79,1 tỷ đồng vào năm 2016.
Nhiều sai phạm trong thương vụ MobiFone - AVG
Theo báo cáo tài chính năm 2015 của Tổng Công ty Viễn Thông MobiFone, phần sự kiện sau ngày kết thúc niên độ kế toán có ghi: “Theo thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần số 2512/2015/MOBIFONE-AVG ngày 25 tháng 12 năm 2015 giữa Tổng công ty và đại diện các cổ đông chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu, Tổng công ty nhận chuyển nhượng 344.666.000 cổ phần (tương đương tỷ lệ sở hữu 95%) từ các cổ đông với số tiền 8.889.815.380 VND. Tại ngày 02 tháng 01 năm 2016, Tổng công ty đã hoàn tất việc nhận chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần theo thỏa thuận nêu trên”.
Công ty kiểm toán độc lập không thu thập đủ thông tin liên quan tới hồ sơ chuyển nhượng vốn tại AVG nên không thể xác định có cần thiết phải điều chỉnh giá trị khoản đầu tư cũng như số dự phòng tổn thất cần trích lập hay không?
Hơn 1 năm sau, trong báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 và 3 năm gần nhất, Tổng Công ty Viễn Thông MobiFone cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên CTCP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) có lợi nhuận, đạt 54,02 tỷ đồng, tỷ lệ sinh lời tính trên vốn điều lệ là 1,49%.
Cụ thể, năm 2016 được ban lãnh đạo MobiFone đánh giá là năm thành công với các công ty con của MobiFone, khi các công ty con đều mang lại lợi nhuận với tỷ suất sinh lời trên vốn điều lệ ở mức khá cao, điển hình là tỷ lệ sinh lời trên vốn điều lệ tại MobiFone Service đạt 39,69%, tại MobiFone Global đạt 25,96%.
“Đây cũng là năm đầu tiên Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) có lợi nhuận đạt 54,02 tỷ đồng”, báo cáo nêu.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2016 của MobiFone lại không đề cập nhiều tới hoạt động, mối quan hệ giữa MobiFone và AVG tính từ thời điểm MobiFone nhận chuyển nhượng 344.666.000 cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 95% AVG từ các cổ đông với số tiền 8.889.815.380 đồng vào ngày 2.1.2016.
Cũng trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
MobiFone cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên CTCP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) có lợi nhuận, đạt 54,02 tỷ đồng, tỷ lệ sinh lời tính trên vốn điều lệ là 1,49%
Tới ngày 6.9.2016, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố quyết định thanh tra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra toàn diện Dự án MobiFone mua 95% cổ phần của CTCP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), thời hạn thanh tra là 50 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11.2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: “Về việc Mobifone chi 9.000 tỷ đồng mua cổ phần của AVG, từ các cuộc họp báo trước đã có thông báo Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào làm việc. Hiện nay, công việc chưa có kết quả cuối cùng bởi vì cần làm rõ những băn khoăn như có lợi ích nhóm, có thất thoát không. Khẳng định được việc đó cần thời gian, phải làm rất chắc chắn.
Và phải đợi tới chiều tối ngày 14.3.2018, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có Thông báo Kết luận số 356/TB-TTCP về việc Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Trong đó, đối với MobiFone, đơn vị này đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc: đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG, tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; nghiệm thu, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần; lập dự án đầu tư, trình Bộ TTTT phê duyệt dự án đầu tư; ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; thanh toán các chi phí liên quan đến dự án.
Trong đó, xác định rõ trách nhiệm cụ thể trong từng sai phạm đối với HĐTV, Chủ tịch HĐTV, Ban Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, bộ phận đàm phán, các bộ phận liên quan thuộc Mobifone.
Những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm nêu trên của Mobifone, nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng; việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 đã giảm so với năm 2015 là 321,7 tỷ đồng; số lỗ lũy kế đến 31.12.2017 là 1.982,7 tỷ đồng; đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.
Bị khai trừ khỏi Đảng vì vi phạm "rất nghiêm trọng" trong thương vụ MobiFone - AVG Trong Thông cáo báo chí kỳ họp 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố chiều 2.6.2018, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung về việc Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG (Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận thanh tra số 355/KL-TTCP, ngày 14.3.2018). Với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tổng công ty Mobifone có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án. Đồng chí Lê Nam Trà, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty Mobifone có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng, chịu trách nhiệm chính trong việc HĐTV Tổng công ty trình Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến Dự án trái quy định. Đồng chí Cao Duy Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tổng công ty Mobifone có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc tham mưu cho HĐTV Tổng công ty trình Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến Dự án trái quy định. Từ đây, UBKT Trung ương kết luận Những vi phạm của BCSĐ Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Nguyễn Bắc Son, đồng chí Trương Minh Tuấn, đồng chí Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone và các đồng chí Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng, vi phạm của đồng chí Phạm Hồng Hải là nghiêm trọng, đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Tới Thông cáo báo chí Kỳ họp 27 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát đi chiều 30.6.2018, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng (BCSĐ) Bộ Thông tin và Truyền thông và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26 của UBKT Trung ương. Cụ thể, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Lê Nam Trà, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Mobifone và đồng chí Phạm Đình Trọng, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Cao Duy Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Mobifone; khiển trách đối với đồng chí Phạm Hồng Hải, Ủy viên BCSĐ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. |