Dân Việt

Ham mua sắm tiêu dùng, người Việt gánh núi nợ hơn 5 tỷ USD

Gia Hưng 01/07/2018 07:23 GMT+7
Thị trường tín dụng tiêu dùng được cho là có giá trị khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương với khoảng hơn 48,5 tỷ USD. Tuy nhiên, loại trừ những khoản vay mua nhà có giá trị lớn cũng được liệt kê vào đây, thì thị trường cho vay tiêu dùng đáp ứng cho nhu cầu cá nhân chỉ khoảng 90.000 tỷ đồng, tức gần 5 tỷ USD.

Mới đây, hàng loạt các công ty tài chính bắt đầu chuyển mình để chính thức bước vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn, Công ty tài chính cổ phần Xi Măng đổi tên thành Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit Finance Company). Hay công ty tài chính Điện lực (EVN Finance) cũng bắt đầu tuyển nhân sự rầm rộ để chuẩn bị hoạt động.

Đua nhau M&A

Đây đều là những công ty tài chính của giai đoạn trước, vốn thuộc các tập đoàn nhà nước, nay bắt đầu tái cấu trúc, chuyển hướng hoạt động và mong muốn tìm kiếm lợi nhuận từ việc người Việt đi vay tiêu dùng ngày càng nhiều hơn.

Nhiều ngân hàng khác cũng đang sốt ruột muốn góp mặt. Mới đây, Ngân hàng SeABank công bố mua lại toàn bộ vốn góp của Tập đoàn VNPT tại công ty Tài chính Bưu điện. Một tên tuổi khác là ngân hàng SHB đang có kế hoạch sớm triển khai công ty tài chính tiêu dùng của mình.

img

Hàng loạt cái tên khác như Vietcombank, ACB hay ngân hàng OCB trước đó đều thể hiện mong muốn sớm nhảy vào thị trường.

Trong khi đó, những tên tuổi lớn hiện nay trong làng cho vay tiêu dùng có thể kể đến FE Credit (công ty con của ngân hàng VPBank), HD Saison (HDBank sở hữu 51% cổ phần), Home Credit và nhiều công ty khác.

Theo quan sát, thị phần hiện tại vẫn là các doanh nghiệp nội chiếm thị phần ưu thế. Home Credit vẫn dẫn đầu khối ngoại vì gia nhập thị trường đã lâu. Nhưng cục diện này có thể thay đổi nhanh chóng khi nhiều đơn vị ngoại có tiềm lực hơn gia nhập.

Hồi đầu năm nay, Shinhan Bank mua lại Công ty Tài chính Prudential với mức giá 151 triệu USD. Còn tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) mua lại Techcom Finance của ngân hàng Techcombank trị giá khoảng 1.700 tỷ đồng.

Các định chế này với nguồn vốn dồi dào từ công ty mẹ, rõ ràng đang rất “thèm khát” thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam.

Khách hàng được lợi?

Tốc độ tăng trưởng của ngành cho vay tiêu dùng nhiều năm trở lại đây cho thấy người Việt ham vay nhiều hơn. Còn thống kê cho thấy mức độ mở rộng thị trường của các công ty tài chính ngày càng nhanh hơn và chưa có dấu hiệu giảm tốc.

Chẳng hạn, FE Credit cho biết doanh thu năm 2017 tăng 45%, lợi nhuận tăng 55% so với cùng kỳ. Doanh số của Home Credit thì tăng 50% so với 2016. Trong khi đó, HD Saison có dư nợ tín dụng gần 9.500 tỷ đồng, tăng hơn 17,3% so với cùng kỳ.

Nhưng điều đáng chú ý là Mcredit đã báo lãi ngay trong năm đầu tiên hoạt động với tổng dư nợ trong năm ngoái đạt 1.549 tỷ đồng. Đây là liên doanh giữa ngân hàng Quân đội (nắm 51%) và Shinshei Bank (Nhật Bản).

Số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy mảng cho vay tiêu dùng năm 2017 tăng 65%, cao hơn nhiều so với con số 50,2% trong năm trước đó. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng cũng đã chiếm 18%, tăng mạnh so với con số 12,3% trước đó.

img

Khoảng 48% dân số thu nhập thấp (dưới 300 USD/tháng) là khách hàng tiềm năng của các công ty cho vay tiêu dùng (ảnh minh họa - Quang Phúc).

Với ước tính từ quy mô này, thị trường tín dụng tiêu dùng được cho là có giá trị khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương với khoảng hơn 48,5 tỷ USD. Tuy nhiên, loại trừ những khoản vay mua nhà có giá trị lớn cũng được liệt kê vào đây, thì thị trường cho vay tiêu dùng đáp ứng cho nhu cầu cá nhân chỉ khoảng 90.000 tỷ đồng, tức gần 5 tỷ USD.

Dù vậy, những con số này cho thấy bản thân thị trường tín dụng tiêu dùng rất hấp dẫn.  Theo Stoxplus, có khoảng 48% dân số thu nhập thấp (dưới 300 USD/tháng) là khách hàng tiềm năng của các công ty cho vay tiêu dùng.

Dự kiến thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng nóng trong năm nay.

Ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc của FE Credit, nhận xét, tiềm năng khai thác thị trường vẫn còn lớn nhờ xu hướng cho vay tiêu dùng là tất yếu trên thế giới. Tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới chỉ đạt mức 11,4% trong khi con số phổ biến ở các nước phát triển là 40-50%.

Hiện tại, các công ty tài chính hiện nay đang là “gà đẻ trứng vàng”cho các ngân hàng. FE Credit đóng góp tới hơn một nửa lợi nhuận mà VPBank báo lãi, tức hơn 4.000 tỷ đồng trong năm ngoái và vẫn đang tăng trưởng tốt.

Các chuyên gia cho rằng nhiều công ty tài chính tham gia hơn sẽ là yếu tố tích cực cho thị trường vay tiêu dùng. Theo đó, lãi suất cho vay được trở nên cạnh tranh hơn.

Sự cạnh tranh giờ cũng đã lan tỏa đến các sản phẩm. “Các khoản cho vay thiết bị gia dụng và cho vay mua xe có tăng trưởng âm khi thị trường trở nên bão hòa hơn”, báo cáo của Stoxplus nhận định.

Trong 2 năm gần đây, một số công ty tài chính bắt đầu chuyển hướng cho vay tiền mặt nhiều hơn và cho vay qua thẻ tín dụng. Doanh số thẻ tín dụng hiện chiếm 2,8% so với quy mô vay tiêu dùng là yếu tố cho thấy phân khúc này có tiềm năng, StoxPlus cho hay.

Tăng trưởng nóng mang lại cơ hội cho các công ty tài chính, nhưng cũng đi kèm với nhiều nguy cơ. Cho vay tiêu dùng là lĩnh vực nhiều rủi ro với đặc trưng là số lượng khoản vay rất nhiều và tỷ lệ nợ xấu lớn.

Trong khi, các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng thông tin cá nhân - vốn còn hạn chế ở Việt Nam - để đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng.

Thời gian tới, việc có quá nhiều công ty tài chính tham gia cũng dễ dẫn đến tình trạng chạy đua theo doanh số mà quên mất việc kiểm soát rủi ro, bao gồm cả ngân hàng và các công ty tài chính.

Mới đây, cơ quan chức năng yêu cầu các công ty tài chính phải chấn chỉnh lại hoạt động đòi nợ của mình.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng này ngoài sở hữu đội đòi nợ là nhân viên còn bắt tay thuê ngoài các tổ chức đòi nợ thuê bên ngoài. Việc kiểm soát vì vậy đòi hỏi công sức và khó khăn hơn nhiều.