Dân Việt

Thu mua lá vải thiều khô làm đất nhân tạo

10/12/2011 06:15 GMT+7
Nguyên nhân mà Nhật Bản phải nhập khẩu lá vải thiều về làm đất nhân tạo là do nhiều vùng đất ở nước này đã bị nhiễm xạ do rò rỉ tại các nhà máy điện hạt nhân thời gian qua, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng.

Như đã đưa tin, trong thời gian gần đây có doanh nghiệp ồ ạt thu mua lá vải thiều khô tại vựa vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang làm dấy lên dư luận nghi vấn về mục đích thu mua.

Sáng ngày 8.12, ông Nguyễn Trung Thành, đại diện Công ty TNHH Kinh doanh – Thương mại Lâm Sơn (có trụ sở tại Phường Định Công, Hà Nội) khẳng định: Đơn vị hiện đang tiến hành thu mua lá vải thiều khô tại Lục Ngạn. Số lượng thu mua ước đạt khoảng hơn 100 tấn. Mục đích của doanh nghiệp là thu mua lá vải thiều khô đã rụng xuống và không sử dụng của người nông dân.

img
Nhà kho chứa lá vải tại cơ sở thu mua của ông Nguyễn Đăng Đạo, thôn Áp, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.

Sau khi thu mua, đơn vị sẽ tiến hành sơ chế, ép và sau đó xuất khẩu sang Nhật Bản. Phía Nhật Bản sẽ tiếp tục chế biến để thành đất nhân tạo hoặc phân bón. Nguyên nhân mà Nhật Bản phải nhập khẩu lá vải thiều về làm đất nhân tạo là do nhiều vùng đất ở nước này đã bị nhiễm xạ do rò rỉ tại các nhà máy điện hạt nhân thời gian qua, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng.

Ông Thành cho biết thêm, trước khi mở xưởng thu mua và sơ chế tại thôn Áp, xã Tân Quang, đơn vị đã tiến hành thu mua khoảng 2 tấn lá vải thiều khô, ủ trong 2 tháng và mời phía đối tác Nhật Bản sang kiểm tra chất lượng, ký hợp đồng thu mua với đơn vị.

img

Trước đó, phía Nhật Bản cũng đã từng thu mua lá nhãn ở Thái Lan để làm đất nhân tạo, tuy nhiên do bất ổn chính trị và ảnh hưởng của trận lũ vừa qua nên đã chuyển thị trường sang Việt Nam với sản phẩm chính là lá vải.

Về phía Công ty Lâm Sơn do sức chứa có hạn và gặp trục trặc trong việc sản xuất, lắp ráp dây chuyền thiết bị nên dự kiến thời gian sản xuất sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 20.12.

“Tuy nhiên, đặc tính của lá vải thiều rất khó phân huỷ nên phía Nhật Bản chỉ thu mua lá vải đã rụng. Chúng tôi cũng không mua lá vải thiều tươi do bởi sẽ mất rất nhiều thời gian để làm khô lá vải” – Ông Thành nói.

Theo Tiền phong