Báo cáo số 4457 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế xã hội tháng 6 đầu năm cho thấy, tình hình thiên tai, cháy nổ, tai nạn giao thông có diễn biến phức tạp.
Lũ sớm đã xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là tại Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiên tai trong 6 tháng đầu năm đã làm 33 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính khoảng 808 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thị sát tình hình lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: IT.
Ở phía Nam, sạt lở đất tiếp tục xảy ra tại ĐBSCL, trong đó có 140 điểm ở mức nguy hiểm và 55 điểm đặc biệt nguy hiểm.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho các địa phương vùng ĐBSCL để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư, công trình hạ tầng thiết yếu.
Nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trong 6 tháng đầu năm, trong đó điển hình là vụ cháy chung cư Carina Plaza tại TP.HCM.
Khắc phục hậu quả vụ cháy chung cư Carina Plaza tại TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Bộ KHĐT đề nghị đang trong mùa hè và chuẩn bị bước vào mùa mưa bão; công tác phòng, chống thiên tai, cháy nổ và tai nạn giao thông cần được đặc biệt quan tâm nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm ổn định xã hội và bảo vệ thành quả phát triển kinh tế xã hội đã đạt được trong thời gian qua.
Ở thời điểm hiện tại, mùa du lịch đang là cao điểm với khách trong nước nhưng lại là mùa thấp điểm của khách quốc tế. Mặt khác, do tác động tức thời của giải bóng đá thế giới WorldCup và một số sự kiện về trật tự xã hội nên tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng ước đạt khoảng 1,18 triệu lượt người, giảm 1,9% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng vẫn tăng hơn 27% so với cùng kỳ, bình quân mỗi tháng đạt khoảng 1,31 triệu lượt khách.
Bộ KHĐT đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và xuất nhập khẩu đều có mức tăng trưởng khá. Nền kinh tế tăng trưởng toàn diện trên cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản ( tăng gần 4%, cao gấp 1,4 lần so với mức tăng cùng kỳ); công nghiệp và xây dựng ( tăng gần 10%, cao gấp 1,5 lần); dịch vụ ( tăng xấp xỉ 7 %).
Vụ lúa đông xuân năm nay tăng khá cả về năng suất và sản lượng so với cùng kỳ. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Đáng chú ý trong ngành nông nghiệp, vụ lúa đông xuân năm nay được đánh giá là thắng lợi; tuy có giảm về diện tích nhưng tăng khá cả về năng suất và sản lượng so với cùng kỳ.
Nuôi trồng và khai thác thủy hải sản duy trì được nhịp độ phát triển do gặp điều kiện thuận lợi về thời tiết và ngư trường. Đồng thời, ngành thủy hải sản cũng ghi nhận nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC nhằm lấy lại “thẻ xanh” cho Việt Nam. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh và dần đi vào thực chất, đem lại kết quả tích cực.