Dân Việt

Giật mình cung đường thẩm lậu lợn ở biên giới Quảng Ninh

Nguyễn Quý 02/07/2018 15:59 GMT+7
Theo ghi nhận của PV, từ trung tuần tháng 4.2018, cung đường vận chuyển lợn thịt, lợn giống thẩm lậu tại khu vực vành đai biên giới giáp với Trung Quốc, thuộc tỉnh Quảng Ninh bắt đầu nhộn nhịp. 1 con lợn thịt (khoảng 80kg đến 1 tạ) chỉ cần gánh từ bên kia suối (phía Trung Quốc) về đã được hưởng chênh lệch từ 800.000 đến 1 triệu đồng.

Thuê người bản địa vượt biên khiêng lợn qua suối

Phải sang đến tháng 5, khi việc nhập lậu lợn thịt từ bên kia biên giới trở thành tâm điểm nóng, thì các lực lượng chức năng ở Quảng Ninh mới vào cuộc.

img

Tại bản Mốc 13, biên giới Việt Nam - Trung Quốc chỉ cách 1 con suối, thuận lợi cho các đối tượng nhập lậu lợn. Ảnh: Nguyễn Quý.

Dọc Quốc lộ 18C, khu vực vành đai biên giới từ cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) đến cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) và lối mở Pò Hèn – Thán Sản (xã Hải Sơn, TP. Móng Cái), tồn tại nhiều điểm tập kết lợn thịt, lợn giống không rõ nguồn gốc. 

Điểm tập kết có thể là nhà dân ở các thôn, bản giáp biên, lùm cây ven suối, hoặc đơn giản là chính chiếc xe tải chuyên dùng vận chuyển lợn.

“Trước đó, lợn được gồng gánh từ bên kia suối (phía Trung Quốc) về Việt Nam rồi được thả vào chuồng để biến thành lợn nhà dân nuôi. Hoặc lợi dụng đêm tối, đối tượng vận chuyển đỗ xe tại vị trí chờ sẵn, thuê người dân bản địa gánh lợn lên xe rồi chuyển về xuôi” - Trung tá Trần Xuân Khánh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quảng Đức, cho biết.

Bản Mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà được xem là một trong những điểm thuận lợi nhất cho việc vận chuyển lợn nhập lậu. Cách thôn Lý Hỏa, Thị trấn Na Lương (Trung Quốc) chỉ một con suối nhỏ, bản này chủ yếu là người dân tộc Dao sinh sống, làm nghề nông, lâm nghiệp và bốc hàng thuê ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh.

Do địa hình thuận lợi như vậy, lại có đông đảo lực lượng lao động địa phương sẵn sàng sang Trung Quốc gánh lợn qua suối về Việt Nam nên bản Mốc 13 được giới lái buôn lợn thẩm lậu chọn lựa.

img

Người dân chia nhỏ thịt lợn, dùng xe máy vận chuyển trái phép thịt lợn qua biên giới vào nội địa tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Quý

L.S.T – một người dân bản Mốc 13 tiết lộ: “Chúng nó đi làm vào buổi tối thôi, cứ lội suối sang bên kia là gánh lợn về. Con bé thì được hai mươi, con to thì được một trăm, trăm rưỡi (được trả công gánh lợn từ 20.000-150.000 đồng/con tùy loại – PV). Không biết người thuê là ai đâu, cũng không biết lợn ở đâu ra, cứ được tiền là làm thôi á!”.

Qua bản Mốc 13 tới địa phận thôn Pò Hèn, thuộc xã Hải Sơn (TP.Móng Cái). Tại đây, điểm thuận lợi cho các đầu lậu lợn thịt, lợn giống là có lối mở cặp chợ biên giới Pò Hèn (Việt Nam) - Thán Sản (Trung Quốc) đã được tỉnh Quảng Ninh và Khu Phòng Thành tổ chức từ năm 2017. Lợi dụng việc mở rộng giao thương cho cư dân biên giới, các thương lái thuê người dân bản địa sang Trung Quốc mua lẻ lợn giá rẻ, không rõ nguồn gốc về, rồi vận chuyển xuống Hải Hà, Móng Cái tiêu thụ.

Quyết liệt ngăn chặn lợn nhập lậu

Trao đổi với Dân Việt, Trung tá Trần Xuân Khánh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quảng Đức, khẳng định: Nhận được sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh, yêu cầu phối hợp của huyện Hải Hà, chúng tôi đã thành lập chuyên đề đấu tranh, xử lý tình trạng thẩm lậu lợn.  

img

Khu vực vành đai biên giới xã Quảng Đức, huyện Hải Hà tồn tại nhiều điểm tập kết lợn thẩm lậu. Ảnh: Nguyễn Quý

Ngày 9.5, tại cần barie Trạm biên phòng cửa khẩu Bắc Phong Sinh, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh bắt 1 đối tượng điều khiển xe ô tô tải (BKS 17C-05107) vận chuyển 13 con lợn, tương đương 1,3 tấn (nhập lậu từ Trung Quốc). Đối tượng Phạm Trí Thành khai nhận: Số lợn trên được Thành mua của người dân Trung Quốc với giá 2 triệu đồng/con, sau đó nhập lậu về xã Quảng Minh giết mổ để bán ra chợ.

Không những vận chuyển lợn nguyên con còn sống, các đối tượng còn tổ chức giết mổ lợn nhập lậu tại thôn, sau đó cho lên xe máy chuyển về địa bàn lân cận tiêu thụ.

Ngày 31.5, tại khu vực dốc Tài Phật, bản Mả Thầu Phố, xã Quảng Đức, lực lượng biên phòng phối hợp với xã phát hiện, bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Nhàn (SN 1983, HKTT: thôn Hải Yên, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) dùng xe máy vận chuyển 80Kg thịt lợn.

Lợn giống cũng là mặt hàng được các đối tượng nhập lậu từ biên giới. Cùng ngày 31.5, tại khu vực mốc 1343 (2), thuộc bản Vắn Tốc, xã Quảng Đức (Hải Hà), lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô tải BKS 14C-203.71 đi từ phía kè biên giới lên quốc lộ 18C, trên xe chở 35 con lợn giống, tổng trọng lượng 350kg.

Người điều khiển xe ô tô là Cao Xuân Bình, sinh năm 1985, trú tại thôn 1, xã Quảng Thịnh (Hải Hà) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số lợn trên. Bình khai nhận, đã lái xe ô tô vào khu vực biên giới mốc 1343 (2), sau đó để xe ô tô ở bờ sông biên giới phía Việt Nam rồi lội qua sông sang Trung Quốc, vào nhà một hộ dân ở giáp biên giới tên A Sám mua 35 con lợn với giá 5.250 nhân dân tệ.

img

Số lợn giống nhập lậu bị bắt giữ tại xã Quảng Đức. Ảnh: Nguyễn Quý

Tiếp đó, ngày 4.6, tại khu vực Mốc 1330 thuộc bản Tài Chi, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, các lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã bắt đối tượng Nguyễn Văn Quảng (SN 1982, HKTT thôn Hải Thành, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) đang điều khiển xe tải BKS 14C-17092 vận chuyển trái phép 23 con lợn lái thải loại (tổng trọng lượng 2.300Kg, có nguồn gốc từ Trung Quốc).

Nhận định của Trung tá Trần Xuân Khánh, sau đợt chiến dịch đấu tranh, đến thời điểm hiện tại gần như không còn tình trạng thẩm lậu lợn từ Trung Quốc vào Việt Nam trên địa bàn biên giới xã Quảng Đức.

“Không chỉ riêng đơn vị thực hiện, mà các ngành cùng chính quyền địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt. Tuy nhiên, các đối tượng vận chuyện lợn nhập lậu bằng nhiều hình thức. Như lợi dụng đêm tối sang Trung Quốc, bắt từng con một cho vào lồng khênh về điểm tập kết. Nhiều đối tượng chuyển lợn về thả vào chuồng nói là nhà nuôi, sau đó xuất cả đàn, rất khó khăn để xác minh nguồn gốc” - Trung tá Trần Xuân Khánh cho hay. 

Cần phải khẳng định rằng, các cấp chính quyền và các ngành chức năng tại Quảng Ninh đã vào cuộc quyết liệt để đấu tranh với việc thẩm lậu lợn qua khu vực biên giới. Từ việc tuần tra bí mật, công khai, đến tăng cường lực lượng ở các điểm chốt chặn và nhận tin báo của quần chúng nhân dân... Tuy nhiên, vì lợi nhuận lớn, các đối tượng sẵn sàng hoạt động trở lại nếu nhận thấy sự kiểm soát thiếu chặt chẽ, lơ là của lực lượng chức năng, gây mất an toàn thực phẩm và phát sinh dịch bệnh bất cứ lúc nào.