Sáng 4.7, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 đã khai mạc tại Hà Nội
Sáng 4.7, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài – hợp tác hướng tới lợi ích chung”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousman Dione, Giám đốc quốc gia cấp cao phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính Quốc tế Kyle F. Kelhofe đồng chủ trì Diễn đàn.
Nhiều Bộ ngành, địa phương không có hành động cụ thể và thực chất
Tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, hàng loạt động thái cải cách của Chính phủ, đặc biệt liên quan tới xuất nhập khẩu và đầu tư (điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…) đang mang lại những kết quả bước đầu tích cực, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và diện mạo mới cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, trên thực tế không phải tất cả các Bộ ngành, các địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất. Chẳng hạn, sau 4 năm đưa vào thực hiện, Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế nền tảng để hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, mới chỉ triển khai được 47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu). Trong số 47 thủ tục đã được thực hiện, không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
Bên cạnh đó, dù tất cả các Bộ ngành đã được yêu cầu phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh, song đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định theo yêu cầu. Bốn Bộ khác (Nông nghiệp, Xây dựng, Tài chính, Y tế) đã soạn thảo Nghị định, gửi VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp.
“Còn lại các Bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không được biết, cũng không được tham gia ý kiến”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thẳng thắn.
DN Hàn Quốc bị thu hồi đất, chấm dứt ưu đãi trước thời hạn
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành chế tạo. Trong bản ghi nhớ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Việt Nam – Hàn Quốc vào tháng 3 năm nay cũng nhấn mạnh vào sự hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Tuy nhiên thực tế là đại đa số các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Do đó, chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp FDI cần nỗ lực để cải thiện tình hình này.
Theo ông Kim Heung Soo, có một thực trạng là các doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam và nuôi dưỡng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Như trường hợp của Điện tử Samsung (SEV), đã có thông cáo báo chí về việc đạt được thành tích nâng cao năng suất lên 85% thông qua tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Samsung (Venders). Dịch vụ tư vấn của Điện tử Samsung dành cho 26 doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Samsung từ năm 2015 đến năm ngoái, đã giúp cải thiện hiệu suất vận hành thiết bị hơn 30%, giảm tỷ lệ lỗi hơn 20%. Trong năm nay, Điện tử Samsung cũng đang tiến hành tư vấn cho các doanh nghiệp hợp tác và có kế hoạch tăng số lượng doanh nghiệp được tư vấn hàng năm.
Song dù đã có những nỗ lực như vậy như vẫn còn có một vài điểm đáng tiếc do các quyết định hành chính của chính phủ Việt Nam.
Với trường hợp của tập đoàn thép Posco, doanh nghiệp đã thành lập liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam vào năm 1994 và đang có nhiều hợp tác thành công bao gồm chuyển giao công nghệ. Tháng 1 năm 2019, tập đoàn mới cần gia hạn thời hạn của liên doanh tuy nhiên tháng 6 năm 2017, mặc dù chưa hết thời hạn liên doanh nhưng chính phủ Việt Nam đã cấp mới quyền sử dụng đất cho một doanh nghiệp Việt Nam ở Hải Phòng cũng thuộc liên doanh khiến việc liên doanh không thể tiếp tục và phải kết thúc.
Ông Kim Heung Soo tỏ ra lo lắng: “Có nhiều trường hợp doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư và hoạt động ở Việt Nam đầu những năm 90 để cho doanh nghiệp Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất nên tôi lo ngại họ sẽ gặp phải vấn đề tương tự như Posco. Quyết định hành chính như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến việc chuyển giao kỹ thuật và hợp tác cùng phát triển thông qua liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI và ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài”.
Doanh nghiệp Vina Pioneer ở tỉnh Hưng Yên vẫn còn thời hạn ưu đãi được bảo đảm trong Luật đầu tư nhưng đã nhận được thông báo về việc chấm dứt ưu đãi một cách đơn phương. Mặc dù doanh nghiệp đã được Bộ KHĐT xác nhận là nằm trong khu vực được hưởng ưu đãi về pháp luật nhưng vẫn nhận được thông báo từ GDT cho rằng doanh nghiệp không thuộc đối tượng được ưu đãi.
“Những trường hợp này không phải là vấn đề của riêng một doanh nghiệp nào. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đều xem đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Bởi họ nhận thấy ưu đãi mà mình đang được nhận có thể bị chấm dứt một cách đột ngột nên họ cho rằng cần phải giảm đầu tư hoặc tìm kiếm một đối sách khác.
Những quyết định hành chính không thể dự đoán trước như trên đây là vấn đề rất quan trọng, làm thu hẹp hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam và ảnh hưởng đến ý định hợp tác với doanh nghiệp địa phương”, ông Kim Heung Soo nói.