Ông Ba Đạt có 20ha đất lúa ở kênh K4, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, phấn khởi khi nói tới giống lúa Nhật mới được trồng trên vùng đất này: Trong xã nhiều nông dân đã quen trồng, canh tác giống lúa này không khó. Do có DN bao tiêu nên bà con mạnh dạn trồng.
Vụ đông xuân vừa qua (2017-2018) lúa Nhật trúng mùa, đạt năng suất 1-1,2 tấn/công (tầm lớn). Giống lúa này dễ trồng, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, vì là giống lúa mới, bà con nông dân chỉ dám trồng khi có hợp đồng DN bao tiêu.
Gieo cấy lúa hè thu trên cánh đồng Bình Giang (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang của Công ty Trung An). Ảnh: HỮU ĐỨC
Theo nhiều nông dân trồng lúa Nhật, giá lúa bao tiêu 5.800-5.900 đồng/kg. Từ đầu vụ có DN ký hợp đồng và ứng tiền trước 500.000 đồng/công, tới khi lúa chín thu hoạch DN thu mua, trừ phần tiền cọc tạm ứng. Bên cạnh đó còn có DN hợp đồng sản xuất theo phương thức cung ứng vật tư đầu vào và thỏa thuận giá bao tiêu cuối vụ.
Anh Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, cho biết: Toàn xã có hơn 12.000ha đất trồng lúa. Vụ hè thu 2018 có hơn 80% trồng lúa Nhật. Phần còn lại trồng giống Đài Thơm 8 và lúa nếp. Hai giống lúa này năm nay trúng mùa, năng suất đạt khoảng 1-1,1 tấn/ha, bán qua thương lái 6.000-6.100 đồng/kg. Trước đây lúa IR50404 trồng nhiều khi vào vụ hè thu vì nhờ có năng suất khá cao, nhưng hiện đã giảm, do dễ nhiễm bệnh đạo ôn và giá hiện còn 5.400 đồng/kg.
Theo nông dân so sánh, lúa Nhật dài ngày hơn, thời gian canh tác 4 tháng, trong khi các giống lúa thuần khoảng 3 tháng hoặc 100 ngày. Tuy nhiên, thu lãi cao hơn nhờ năng suất cao bù giá bán. Dù vậy theo chủ trương của huyện, nông dân trồng lúa Nhật phải có DN hợp đồng bao tiêu để tránh rủi ro tiêu thụ. Hiện nay trên địa bàn xã có 3 DN đặt hàng nông dân. Hợp đồng bao tiêu ký kết 3 bên, có xã chứng thực: Nông dân - DN và UBND xã, mỗi bên giữ một bản.
Giống lúa Nhật DS1 được trồng thử ở nhiều địa phương. Ảnh minh họa: I.T
Hiện nay ở Bình Giang, trong số các DN thu mua lúa Nhật có Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An, trụ sở TP Cần Thơ). DN này vừa xây dựng tại đây vùng lúa nguyên liệu trên cánh đồng được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu gần 800ha; đồng thời liên kết với nông dân lân cận bên ngoài mở rộng vùng trồng lúa Nhật.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Trung An, thuật lại: Canh tác qua nhiều vụ chúng tôi nhận thấy trồng lúa Nhật rất thích nghi ở vùng đất này. Khởi đầu vụ lúa đông xuân 2012-2013, Trung An liên kết với nông dân trồng thử và bao tiêu sản phẩm. Ban đầu từ vài trăm ha, đến nay tăng lên khoảng 2.000 ha/vụ, chiếm 30% so với các giống lúa xuất khẩu khác của công ty bao tiêu mỗi vụ.
Công ty đầu tư lúa giống và vật tư nông nghiệp. Nông dân chịu trồng lúa Nhật nhờ giống lúa này có khả năng thích nghi, chống chịu sâu bệnh tương đối tốt, năng suất khá cao và giá lúa thu mua ổn định với mức cao.
Trung An đang nhắm vào thị trường tiêu thụ gạo trắng hạt tròn của các nước Đông Bắc Á mà các khách hàng kinh doanh nhập khẩu gạo từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến tìm mua. Theo ông Bình, sắp tới nhu cầu thị trường lúa Nhật và khả năng sản xuất ở ĐBSCL có thể mở rộng diện tích. Đó là do tính thích nghi của giống lúa Nhật không chỉ ở vùng Tứ giác Long Xuyên mà đang “lấn sân” sang một số tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp… ước diện tích trồng lúa Nhật có khoảng trên 30.000ha.
Xu hướng trồng lúa bán gạo đang chuyển động theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường. Thông qua chủ trương và sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đang khuyến cáo nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng gia tăng giá trị, chọn trồng những giống lúa giá trị cao tùy theo điều kiện thích nghi từng tiểu vùng sinh thái.
Vấn đề còn lại là chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo. Chính phủ chỉ đạo theo chuỗi sản xuất ngành hàng lúa gạo, từ khi gieo sạ đến chế biến sản xuất, để tìm thị trường xuất khẩu tốt nhất. Việc chọn mặt hàng gạo hạt tròn với giống lúa Nhật là một trong những hướng lựa chọn sản xuất kinh doanh lúa gạo tạo được giá trị tăng cao hiện nay.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) tự tin nói: Cách đây vài ngày một DN kinh doanh gạo Việt Nam vừa trúng thầu 50.000 tấn gạo Nhật hạt tròn Japonica xuất khẩu sang Hàn Quốc, với giá trên 600 USD/tấn. Trong khi riêng Trung An hiện đã có khách hàng ký hợp đồng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và một số thị trường khác, ước có hơn 20.000 tấn/năm. Nhu cầu thị trường gạo Nhật hiển hiện rõ ràng và rất triển vọng. Giống lúa Nhật trồng ở ĐBSCL đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo theo yêu cầu an toàn thực phẩm từ phía nhà nhập khẩu. |