Ngày 30.6, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị "Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26.4.2016 của Thành ủy (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020".
Đạt nhiều kết quả mới ấn tượng
Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham quan gian hàng nông sản của Hà Nội bên lề hội nghị. Ảnh: Trần Quang
Tại hội nghị, Bộ NNPTNT, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã trao tặng bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho 39 xã về đích năm 2017; Cờ thi đua của UBND TP.Hà Nội cho 5 tập thể bằng khen của Thành ủy Hà Nội cho 6 tập thể, 7 cá nhân. |
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 02 giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng. Với việc có 4 huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới”, Hà Nội là địa phương có số huyện đạt chuẩn nhiều nhất cả nước. Bên cạnh đó, 294/386 xã trên địa bàn thành phố cũng đã về đích nông thôn mới - con số một lần nữa đưa Hà Nội đứng ở vị trí dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn.
Theo ông Mỹ, cùng với việc hoàn thành vượt mục tiêu về số huyện, xã đạt chuẩn, mục tiêu nâng cao đời sống cho người nông dân được thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Sau thành công lớn của công tác dồn điền đổi thửa (đạt 104,2%), Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị cao và bền vững. Toàn thành phố đã tổ chức được 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao, 101 vùng rau an toàn quy mô từ 20ha trở lên, đồng thời xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể cho các nông sản.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đến nay thành phố đã phát triển 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư và 76 xã chăn nuôi trọng điểm. 3.941 trang trại chăn nuôi, trong đó, 101 trang trại có ứng dụng công nghệ cao và 56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung hiện cũng đang hoạt động có hiệu quả.
Nông nghiệp Thủ đô có bước phát triển tiến bộ đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống cho người dân nông thôn trên địa bàn thành phố. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người dân nông thôn của Hà Nội đã đạt trên 38 triệu đồng/năm. Tại một số địa phương, con số này cao vượt trội như Thạch Thất (52 triệu đồng), Hoài Đức (42,5 triệu đồng), Đông Anh (42 triệu đồng)… Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới giảm còn dưới 2,5%.
Phấn đấu về đích vào năm 2020
Bà Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM, nông thôn điển hình tiên tiến bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung thủ đô Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý các quận nội thành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng NTM cho các huyện, thị xã. Đồng thời, các huyện, thị xã chỉ đạo các xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2018 - 2020 tập trung quyết liệt xây dựng, hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt, phấn đấu đến hết năm 2020, toàn thành phố có 12/18 huyện, thị xã và 95% tổng số xã hoàn thành Chương trình xây dựng NTM.
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật của Hà Nội trong công tác xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Chương trình 02 đã thực sự đi vào lòng dân với một cách làm rất đặc sắc và đã thu được hiệu quả rất rõ nét. Thông qua các kết quả của Chương trình 02 cho thấy Hà Nội đang từng bước phản ánh đúng lợi thế của một nền nông nghiệp Thủ đô.
Để TP.Hà Nội tiếp tục đạt được các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã gợi mở một số định hướng cho thành phố. Theo đó, Hà Nội cần tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế vùng nông nghiệp ven đô; khảo sát, đánh giá và có định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp với từng vùng, miền, địa thế về đất đai, thổ nhưỡng. Phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông sản đặc sản.