Sáng 4.7, quầy hàng thịt heo của siêu thị AEON Bình Tân (quận BÌnh Tân, TP.HCM) rất đông khách chọn mua hàng. Thế nhưng, phần lớn trong số này đều cho rằng, giá thịt heo đã tăng khá cao nên việc mua sắm cũng bị hạn chế.
Cụ thể, sườn non heo thông thường có giá khoảng 160.000 đồng/kg nhưng nay đã tăng lên mức 179.900 đồng/kg, ba rọi heo có giá đến 134.900 đồng/kg, dựng heo trước đó có giá từ 90.000 – 95.000 đồng/kg thì hiện đã tăng lên mức 115.900 đồng/kg. Các sản phẩm như nạc đùi giá 126.000 đồng/kg, thịt vai giá 90.000 đồng/kg, nạc dăm có giá xấp xỉ 106.000 đồng/kg…
Lương vừa tăng, giá thực phẩm cũng tăng chóng mặt. Ảnh: Thuận Hải
Thịt heo tại các điểm bán bình ổn giá cũng có khung giá mới sau khi Sở Tài chính TP.HCM đồng ý cho các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn điều chỉnh tăng giá, áp dụng từ ba tuần trươc.
Hiện giá thịt heo bình ổn tại hệ thống của Vissan, Co.opmart… điều chỉnh lên ngang bằng giá heo trên thị trường, trong đó thịt đùi có giá 95.000 đồng/kg, thịt vai 91.000 đồng/kg, thịt ba rọi 112.000 đồng/kg, sườn già 90.000 đồng/kg, chân giò lên mức giá 87.000 đồng/kg…
Không chỉ thịt heo, nhiều loại rau củ cũng đã tăng giá 10 - 15% so với tuần trước. Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP.HCM như chợ Bà Chiểu (quận BÌnh Thạnh), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân BÌnh), nhiều loại rau củ bán chạy trong mùa nắng đã tăng giá bán trong những ngày qua.
Bông cải xanh có giá đến 65.000 đồng/kg. Ảnh: Thuận Hải
Cụ thể như rau tần ô hiện có giá 33.000 - 35.000 đồng/kg, bông cải xanh có giá đến 65.000 đồng/kg, cải ngọt, cải bẹ xanh… tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg, lên mức 23.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại. Các loại chanh không hạt được tiêu thụ mạnh cũng đã tăng giá nhẹ, lên mức 25.000 - 30.000 đồng/kg, tùy một số nơi bán.
Tại các chợ lẻ, giá trứng gia cầm cũng đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, khoảng 35.000 đồng/chục trứng gà và 40.000 đồng/chục trứng vịt. Sản phẩm trứng gia cầm bình ổn giá bán tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm… hiện cũng đã điều chỉnh tăng, lên mức 26.000 đồng/chục trứng gà và 33.000 đồng/chục trứng vịt.
Chị Tư Thanh, tiểu thương thường chở hàng đi bán rong dọc các khu phố ở quận Bình Tân (TP.HCM) chia sẻ, thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm nhanh hỏng, giá lại tăng cao nên những người bán lẻ như chị rất khó có lãi.
“Có những món hàng mua sỉ rồi bán lẻ lại để giữ khách hàng và phục vụ người quen chớ với giá cả thực phẩm tăng cao như hiện nay, người bán lẻ không lời lãi gì bao nhiêu”, chị Thanh chia sẻ.
Trong khi đó, thời tiết nắng nóng nên các khoản chi tiêu cho tiền điện, tiền nước cũng tăng cao khiến nhiều hộ gia đình bị “vượt chi” đáng kể. Như gia đình chị Nguyễn Mai Hương (ngụ khu phố 1, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM), thông thường, cả gia đình 4 người chỉ sử dụng hết khoảng 300.000 - 350.000 đồng/tháng tiền điện. Thế nhưng, tháng nắng nóng, các con nghỉ hè nên gần như mở máy quạt, máy lạnh suốt ngày khiến tiền điện vượt lên gần 600.000 đồng/tháng.
Giá thực phẩm, điện, nước, xăng dầu tăng khiến sinh hoạt phí nhiều gia đình vượt khung. Ảnh: Thuận Hải
“Cả tiền nước, chi phí xăng xe, thực phẩm hằng ngày đều tăng khiến tổng chi của gia đình mình vượt khung rất nhiều. Lương cơ bản vừa mới tăng từ 1.7, gia đình hai vợ chồng cuối tháng mới nhận lương mà từ đầu tháng giá cả đã tăng chóng mặt, đành phải chắt bóp cắt bớt các khoản tiêu vặt như cà phê, nước giải khát ngoài quán…”, chị Hương chia sẻ.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng nhóm giao thông tăng 5,68% do mặt bằng giá xăng dầu tăng cao. Còn theo TS Đỗ Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, lạm phát các tháng cuối năm 2018 vẫn còn nhiều ẩn số, đặc biệt là 2 mặt hàng giá xăng dầu và giá thịt heo. Trong trường hợp hai mặt hàng này vẫn neo ở giá cao như hiện nay, lạm phát có thể sẽ vẫn ở mức cao, ảnh hưởng tới đời sống nhiều tầng lớp người dân. |