Dân Việt

Các trường Dạy nghề quân đội: Hỗ trợ học bổng cho học viên

10/12/2011 17:20 GMT+7
(Dân Việt) - Hiện quân nhân xuất ngũ có Thẻ học nghề, lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg đang được đào tạo rất nhiều trong các trường dạy nghề quân đội và được hưởng nhiều hỗ trợ đặc biệt.

Dạy nghề cho nhiều đối tượng

Ra quân được gần 3 tháng, sau thời gian hội ngộ với bạn bè, Chu Xuân Thuỷ (xã Phúc Hoà, Phúc Thọ, Hà Nội) bắt đầu thấy buồn chán vì không có việc làm. Lúc đó, Thuỷ mới nhớ tới chiếc Thẻ học nghề được cấp khi ra quân và bắt đầu tìm hiểu việc học nghề.

img
Học viên đang theo học lớp đào tạo ngắn hạn cắt may dân dụng tại Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu và Dạy nghề.

Cùng lúc đó, các cán bộ Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu và Dạy nghề (thuộc Công ty Vật tư công nghiệp -Bộ Quốc phòng) nằm trên địa bàn huyện Phúc Thọ tổ chức tới các ban chỉ huy quân sự địa phương tuyển sinh.

Khi nghe tư vấn, Thuỷ đã đăng ký theo học nghề lái xe và được hỗ trợ 100% học phí (chi trả qua Thẻ học nghề). Thuỷ chia sẻ: “Học nghề hiện đang là sự lựa chọn của thanh niên sau khi ra quân như bọn em. Có việc làm, thu nhập tốt là mục tiêu rõ ràng thay vì có một cái bằng đẹp nhưng khó kiếm việc”.

Ông Tống Thống Nhất - Phó Giám đốc Công ty Vật tư công nghiệp cho hay, trung tâm dạy nghề của công ty hiện đang đào tạo nghề cho hơn 1.600 học viên, chủ yếu là hệ sơ cấp, trong đó 700 học viên là bộ đội xuất ngũ. Bên cạnh đó, trung tâm còn mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho học viên là lao động nông thôn và lao động thuộc hộ nghèo. Trung bình mỗi lớp có từ 30 đến 35 học viên, các học viên được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 1956 của Chính phủ.

Là lao động thuộc diện được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956, học viên Trần Thị Thái, xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ tâm sự: “Thanh niên bọn em quanh quẩn bên cây lúa không biết khi nào mới thoát nghèo. Theo chính sách của trung tâm, sau khi đào tạo miễn phí, học viên nào tiếp thu tốt sẽ được học thêm một khóa học nâng cao tay nghề để đủ điều kiện đi XKLĐ. Em sẽ cố gắng học thật tốt để có một nghề kiếm sống”.

Nhiều hỗ trợ học viên

Cũng như các trường nghề quân đội khác, Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu và Dạy nghề có nhiều chính sách hỗ trợ học viên. Ông Tống Thống Nhất chia sẻ: “Hiện nay, nghề lái xe ô tô được coi là nghề chủ đạo, trung tâm miễn 100% phí học nghề, giúp ăn ở và hỗ trợ thêm một phần phụ cấp hàng tháng cho học viên”.

Ngoài ra, trung tâm cũng kiên quyết không cho những học viên tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc ra trường. “Những học viên này sẽ bị "lưu ban" và học lại những kiến thức còn thiếu, chỉ khi nào đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ nghề”- ông Nhất cho biết thêm.

Tương tự, Trường Trung cấp Nghề số 22 - Quân đoàn 4 vừa tổ chức lễ bế giảng khóa 4 và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 715 bộ đội xuất ngũ thuộc các ngành nghề: Công nghệ thông tin, cơ khí, điện – điện tử và công nghệ ô tô.

Đại tá Hoàng Thọ Luật - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hằng năm trên địa bàn đứng chân của Quân đoàn 4, số lượng bộ đội xuất ngũ rất lớn. Vì vậy, sau mỗi mùa ra quân, cán bộ đào tạo nhà trường lại lên kế hoạch tuyển sinh rất chi tiết.

Thông tư số 04/2010/TTLT-BQP-BTC quy định: Bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ sơ cấp được cấp “Thẻ học nghề” có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu tại thời điểm học nghề và có giá trị trong 1 năm kể từ ngày cấp thẻ. Giá trị của “Thẻ học nghề” được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu.

Ngoài chính sách hỗ trợ quân nhân xuất ngũ thông qua Thẻ học nghề, nhà trường còn hỗ trợ rất nhiều học bổng. Ngoài ra, trường cũng phối hợp với Sở LĐTBXH các tỉnh trên địa bàn tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. “Chẳng hạn như khoá 4 vừa rồi, Quân đoàn 4 đã cấp 40 suất học bổng nghề điều dưỡng đa khoa cho con em gia đình chính sách trên địa bàn” - đại tá Hoàng Thọ Luật cho biết.

Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng đang có định hướng các trường nghề cần hỗ trợ tốt nhất cho quân nhân xuất ngũ và hỗ trợ lao động nông thôn trên địa bàn các trường đứng chân. Quan trọng nhất hiện nay là nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiện các trường nghề tập trung nâng cao năng lực thực hành tay nghề cho học viên với 37 nghề khác nhau, chỉnh sửa và hoàn thiện 35 chương trình đào tạo sơ cấp và xây dựng một số chương trình đào tạo tiếp cận trình độ quốc tế.