Siết điều kiện nhập khẩu tôm vào Úc
Bộ Nông nghiệp Úc đưa ra thông báo kể từ ngày 28/9/2018, các mặt hàng tôm tẩm bột khi nhập khẩu vào Úc sẽ phải trải qua một bước xử lý bằng nhiệt ngắn trong quá trình chế biến để đảm bảo các lớp bột trở thành dạng rắn bám chặt vào tôm trong điều kiện đông lạnh hoặc tan giá.
Nếu cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu không thể chứng minh được mặt hàng tôm tẩm bột đã trải qua bước xử lý nhiệt thì các mặt hàng này sẽ phải chịu sự kiểm tra các điều kiện nhập khẩu như đối với các mặt hàng tôm chưa nấu chín đó là sẽ phải yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm trước khi hàng hóa được xuất khẩu và khi hàng hóa nhập cảng vào Úc theo các phương pháp được công nhận bởi Tổ chức Thú ý Thế giới (OIE).
Xuất khẩu tôm đang gặp khó ở một số thị trường. Ảnh: IT.
Các cơ quan có thẩm quyền và các nhà nhập khẩu hiện đang có giấy phép sẽ được Bộ Nông nghiệp Úc liên lạc để thông báo việc thực hiện các điều kiện nhập khẩu mới này, bao gồm cả các thỏa thuận chuyển tiếp đối với các sản phẩm quá cảnh.
Tôm tạm thời bị cấm xuất khẩu sang KuwaitHiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) dẫn nguồn tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Kuwait sẽ tạm ngừng thông quan một số sản phẩm tôm có xuất xứ từ Việt Nam.
Cụ thể, ngày 5/62018 Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait có Công điện số 071/ĐSQ thông báo về việc Bộ Công Thương Kuwait ban hành quyết định tạm ngừng thông quan một số sản phẩm tôm và động vật giáp xác (tươi, ướp lạnh, đông lạnh, đã qua xử lý) có xuất xứ từ Việt Nam do xuất hiện virus bệnh đốm trắng (WSSV) và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) ở tôm.
Theo đánh giá sơ bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait, nhiều khả năng Bộ Công Thương Kuwait ban hành Quyết định này dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và dựa trên quyết định tương tự của Saudi tạm ngừng nhập khẩu một số sản phẩm tôm của Việt Nam năm 2016 và toàn bộ thủy sản của Việt Nam cuối tháng 1/2018.
Bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp ảnh hưởng đến nhiều vùng nuôi tôm trên cả nước. Ảnh: IT.
Mặc dù tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Kuwait (bao gồm cả tôm các loại) chỉ chiếm khoảng 0,15% tổng xuất khẩu toàn ngành, tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam thời gian qua liên tục đối mặt với truyền thông bất lợi về chất lượng thủy sản xuất khẩu. Bên cạnh đó Saudi (là một nước lớn có tiếng nói trong khu vực vùng Vịnh) cũng đang đơn phương tạm ngừng nhập khẩu toàn bộ thủy sản của Việt Nam, động thái nêu trên của Kuwait sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu tôm sang thị trường này.
Trước đó, Tổng cục Thủy sản cũng đã ban hành Công văn số 1805/TCTS-NTTS gửi Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố ven biển chỉ đạo tăng cường quản lý trong nuôi tôm nước lợ nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát bệnh đốm trắng (WSSV) và hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nước lợ và giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.
Tổng cục Thủy sản yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố ven biển chỉ đạo tăng cường quản lý trong nuôi tôm nước lợ, triển khai một số giải pháp để phòng chống nguy cơ bùng phát dịch bệnh đốm trắng trên tôm. Yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo trong quản lý giống tôm nước lợ; thực hiện nghiêm túc về khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2018. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý nuôi tôm ngao (nghêu) theo công văn số 1563/TCTS-NTTS của Tổng cục Thủy sản ngày 08/5/2018.
Ngoài ra, cần chủ động trong công tác hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm, tiến hành phun khử trùng bờ ao nuôi bằng hóa chất khử trùng. Đối với các cơ sở nuôi cần hạn chế đi vào cơ sở, người chăm sóc, quản lý cơ sở nuôi hạn chế sang các cơ sở bị bệnh hoặc tôm chết chưa rõ nguyên nhân. Tuyệt đối không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào ao nuôi khi chưa xác định được nguồn nước an toàn. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định pH và độ kiềm, giảm khí độc H2S, NH3, NO2 và kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio. Thường xuyên duy trì và ổn định môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho tôm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.