Có “bảo kê” cho mỹ phẩm, thực phẩm chức năng kinh doanh online ? (Ảnh: IT)
Quảng cáo là “siêu phẩm” cho sức khỏe và làm đẹp
Chỉ cần dạo qua một vòng trên facebook, người tiêu dùng dễ dàng có thể đặt mua đủ các loại TPCN, mỹ phẩm và được phục vụ sip hàng tới tận nhà như thế ''Kem dưỡng trắng da'', ''Viên nám đông y'', ''Sữa rửa mặt trà xanh'', Gel trị thâm và cả lọ Serum Collagen. Dù được giới thiệu rất “hoành tráng” nhưng khi quan sát bao bì có thể nhận thấy các sản phẩm này chưa hề được cơ quan y tế cấp xác nhận công bố mỹ phẩm, TPCN, điều đó có nghĩa là các sản phẩm chưa đủ điều kiện buôn bán trên thị trường.
Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hàng loạt các vụ việc liên quan tới mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Có thể điểm qua hàng loạt các vụ việc như:
Ngày 13.4, Đội QLTT số 6, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc đông y Thanh Mộc Hương do ông Nguyễn Thành Công (quê quán Ân Thi, Hưng Yên) làm chủ, địa chỉ tại khu đô thị chức năng Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tại đây, lực lượng Quản lý thị trường thu giữ 21 mặt hàng với gần 10.000 sản phẩm mỹ phẩm, thuốc đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ, ước tính tổng giá trị hàng hóa bị thu giữ gần 2 tỷ đồng.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Lời khai của chủ cơ sở cho thấy, cách thức sản xuất, kinh doanh tại đây là tổ chức đặt hàng chưa tem nhãn tại các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Lào Cai và ngoại thành Hà Nội sau đó chuyển về Tây Mỗ đóng hộp, dán tem nhãn bán hàng trên facebook”.
Mới đây nhất là chiều 22.6, Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng 5 Cục C46 và Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú (còn gọi Ngọc Tú Nature Beauty), địa chỉ Khu Dệt 19/5 (thị trấn Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện 3.047 sản phẩm có nguồn gốc đông y như: Bộ trị mụn đông y, Gel điều trị mụn, Gel trị thâm, Serum tái tạo và phục hồi da, Kem dưỡng da chống nắng ban ngày, Kem dưỡng da ban đêm (kem ngựa), sữa rửa mặt, ngũ cốc, cao hà thủ ô... chưa được cơ quan y tế cấp phép lưu hành. Thời điểm kiểm tra, đại diện đơn vị chỉ xuất trình được giấy phép kinh doanh. Các giấy tờ liên quan đến việc cấp phép sản xuất, chứng nhận chất lượng sản phẩm, giấy phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất dược phẩm đều không có. Đoàn công tác còn thu giữ 350 gói sản phẩm không dán nhãn, 120 lọ sản phẩm không dán nhãn cùng nhiều loại nguyên liệu dùng cho sản xuất như: Bột thạch nhãn, gelatin, bơ tinh chế, hồng sâm base, dầu cọ, thuốc mỡ sử dụng ngoài da.
Không chỉ ở Hà Nội, trước đó, ngày 19.6, cơ quan QLTT TP.HCM đã bất ngờ kiểm tra Cty CP Facenco (tòa nhà HD Bank, P26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) về hành vi kinh doanh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPCN) khi chưa được Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cấp xác nhận công bố (XNCB) phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Đó là các sản phẩm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cotipa 200 đã được cấp XNCB năm 2017; 3 sản phẩm khác gồm TPCN Btanol 500 (quảng cáo điều trị suy thận), TPCN Gotarin (quảng cáo trị bệnh Gout), TPCN Motafin (quảng cáo điều trị mỡ máu) đều chưa được cơ quan y tế cấp phép.
Ông Trần Hùng cho rằng việc buôn bán các loại thuốc, TPCN, đông dược giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa được cơ quan chức năng cấp phép phải được coi là một loại tội ác trong thời bình (Ảnh: IT)
Có sự buông lỏng và phối kết hợp yếu kém
Ông Trần Hùng - Cục phó Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, việc buôn bán các loại thuốc, TPCN, đông dược giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa được cơ quan chức năng cấp phép phải được coi là một loại tội ác trong thời bình. Các loại TPCN, dược phẩm này khi được sản xuất ra đều phải mang ra lưu thông trên thị trường, bán cho người tiêu dùng. Điều gây bức xúc nhất chính là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lừa dối người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người dùng ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua.
Về quản lý nhà nước đối với TPCN, thuốc, dược phẩm không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, theo ông Hùng, là thuộc Bộ Y tế phải có trách nhiệm. Cụ thể, với TPCN, cơ quan phụ trách là Cục An toàn thực phẩm. Thuốc, mỹ phẩm do Cục Quản lý Dược Bộ Y tế chịu trách nhiệm. Còn với đông, nam dược các loại do Cục Y dược cổ truyền dân tộc quản lý.
“Qua làm việc, phối hợp chống mỹ phẩm, dược phẩm, TPCN giả, không rõ nguồn gốc, bản thân tôi qua vụ Vinaca tôi thấy, có phối kết hợp xử lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Y tế và Quản lý thị trường hiện rất yếu kém. Như tại vụ Vinaca, tôi thấy, bột than tre mà được quảng cáo thổi phồng thành thần dược trị ung thư trên mạng xã hội, ở nhiều tỉnh, thành phố là điều khó chấp nhận. Nhưng trớ trêu hơn, khi được hỏi thì quản lý thị trường Hải Phòng cho hay đã xử phạt hành chính 44 triệu theo kết luận của công an quận Kiến An. Vụ việc nghiêm trọng vậy mà xử phạt hành chính là khó chấp nhận, có dấu hiệu tiêu cực”, ông Hùng cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, thực tế phải thừa nhận cũng có sự buông lỏng, thiếu kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường các địa phương thời gian qua đối với các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đông dược không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Ở đây cũng một phần từ việc không dám chịu trách nhiệm, không vào cuộc quyết liệt của quản lý thị trường.
“Qua làm việc, phối hợp chống mỹ phẩm, dược phẩm, TPCN giả, không rõ nguồn gốc, qua vụ Vinaca tôi thấy sự phối kết hợp xử lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Y tế và Quản lý thị trường hiện rất yếu kém”, ông Trần Hùng nhấn mạnh.
Ngày 19. 6.2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg 2018 chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Thực hiện Chỉ thị 17 này, Tổ công tác 334 phối hợp với Chi Cục QLTT Hà Nội và Chi Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh. Chỉ với một ngày ra quân, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 10 vụ, tạm giữ: 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại; trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 149 triệu đồng. Tại TP. Hồ Chí Minh, kết quả kiểm tra ngay trong ngày đầu với 58 vụ, lực lượng chức năng cũng đã tạm giữ 128.647 đơn vị sản phẩm, trị giá khoảng 507.500.000 đồng. Trong đó các nhóm hàng hóa gồm: 27.050 sản phẩm; 4.524 sản phẩm đông dược; 11.512 sản phẩm TPCN... |