Với 1.000 gốc lằng được trồng ở vùng đồi núi, thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày gia đình bà Vũ Thị Bích Quế ở xã Quỳnh Thắng nhập hàng trăm bó lá lằng cho thương lái, thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, đợt nắng nóng vừa qua khiến cây lằng giảm năng suất, gia đình bà thất thu.
Đợt nắng nóng kéo dài vừa qua khiến người trồng cây lằng ở Quỳnh Lưu thất thu, sản lượng giảm đáng kể. Ảnh: Việt Hùng
“Cây lá lằng ưa sống ở vùng đồi núi và chịu nhiệt rất tốt, nhưng vẫn không chống chọi được với đợt nắng kéo dài vừa qua. Trời nắng, cây lằng ra ít lá hơn, khoảng 4 - 5 ngày gia đình tôi chỉ thu hoạch được hơn 100 bó; năng suất giảm gấp 3 lần so với năm ngoái. Trong khi dịp này nhu cầu người dân sử dụng lá lằng để giải nhiệt lại tăng cao” - bà Quế cho biết.
Trước đây, vào mùa thu hoạch, thương lái thường đặt hàng những hộ trồng cây lằng và chỉ việc đến lấy. Tuy nhiên, năm nay, họ phải lùng sục ở các xã miền núi như: Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Tân để thu mua.
Nắng nóng nên lá lằng khan hiếm và đội giá cao gấp 2 - 3 lần so với trước. Ảnh: Việt Hùng
Chị Nguyễn Thị Thường, một thương lái ở chợ Giát cho biết, năm nay lá lằng rất hiếm nên không có nhập. Những dịp trước, chị đặt hàng từ 3 - 5 tạ lá lằng và phân phối chỉ trong 1 buổi là hết. Thời điểm này, chị liên hệ các xã trong huyện Quỳnh Lưu và một số xã của huyện Nghĩa Đàn, Yên Thành...
Cây lằng cho thu hoạch quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất là từ tháng 2 đến tháng 7. Tìm hiểu tại các điểm chợ trên địa bàn Quỳnh Lưu, lá lằng tươi hiện có giá 3.000 - 4.000 đồng/bó (cao gấp 2 - 3 lần so với trước); lá lằng phơi khô giá 70.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg).
Lá lằng được chế biến các món ăn "giảm nhiệt" mùa nắng nóng. Ảnh: Món lòng heo xào lá lằng "đặc sản" của xứ Quỳnh. Ảnh: Tư liệu.
Lá lằng là món ăn đặc trưng của người dân xứ Quỳnh, thường được dùng chế biến món canh với tép khô, cá trích, tôm đồng, xào với lòng... Lá lằng là vị thuốc nam có công dụng để giải nhiệt, tiêu thực, tiêu viêm, yên bụng… tác dụng tốt đến sức khỏe.