Huyện trung du Tiên Phước được biết đến là vựa mít lớn nhất Quảng Nam, loại cây này ra quả từ tháng Giêng, đến tháng 5 chín rộ.
Mít chín được người dân bày bán ở hai bên quốc lộ 40B, một phần được thương lái đưa về xuôi tiêu thụ.
Chị Trần Thị Tuyết (xã Tiên Hiệp) cho biết nhà nào cũng trồng mít trong vườn, loại cây này chín đồng loạt nên ăn không hết, bán thì giá rẻ. "Từ nhiều đời nay, người dân bổ ra lấy múi phơi khô", chị Tuyết nói.
Một quả mít được cắt ra với lớp múi đều đặn. “Mít khô là món ăn truyền thống của người dân Tiên Phước, khi mít chín nhà nào cũng làm để ăn”, chị Tuyết chia sẻ.
Người dân Tiên Phước trồng giống mít ướt và ráo, khi chín múi to, đều và có vị ngọt thơm.
Chị Lê Thị Hồng Liên (xã Tiên Hiệp) thu mua mít về phơi khô với số lượng lớn nên thuê vài nhân công làm. “Tôi sản xuất để làm quà biếu, nếu dư thừa sẽ bán với giá 250.000 đồng một kg”, chị Liên nói và cho hay 5-7 kg múi mít tươi sẽ cho 1 kg mít khô.
Múi mít được tách hạt với màu vàng ươm, thơm ngọt.
Múi mít được xếp đều trong nông.
Sau đó người dân đưa đi phơi. Bà Trần Thị Loan trồng 60 cây mít trong vườn cho biết quả nhỏ bán 10.000-20.000 đồng, quả lớn 40.000-50.000 đồng nhưng ít người mua nên gia đình đem phơi khô. “Mỗi vụ mít chín, tôi làm được 10 kg khô và cất để ăn dần”, bà Loan thông tin.
Mít đưa lên mái nhà phơi, sau ba ngày nắng mới khô.
Người dân cho vào thẩu nhựa hoặc bao bóng bảo quản. “Mít khô để được quanh năm mà không hư hỏng” chị Tuyết nói và chia sẻ mít khô dai, có vị ngọt thơm, phù hợp để ăn vào những ngày mưa gió.