Nguyễn Đình Chiểu là nhà giáo, trí thức yêu nước nổi tiếng của nước ta thế kỷ XIX. Khi đang trên đường về Huế dự thi, nghe tin mẹ mất, ông quay về chịu tang, nửa đường bị ốm, thương mẹ khóc đến mù cả mắt.
Nguyễn Đình Chiểu quê ở Thừa Thiên Huế, cha ông là người huyện Phong Điền, sau làm cấp dưới cho tả quân Lê Văn Duyệt nên di cư vào Nam. Tại đây, ông sinh Nguyễn Đình Chiểu ở Gia Định (nay thuộc quận 1, TP.HCM).
Nhờ đức hiếu học và chăm chỉ, nên năm 21 tuổi, Nguyễn Đình Chiểu thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định. 5 năm sau (1847), ông tiếp tục ra Huế để dự kỳ thi cao hơn nhưng sự nghiệp đã giữa đường đứt gánh sau khi mẹ mất.
Năm 1848, nghe tin mẹ mất, Nguyễn Đình Chiểu quay về chịu tang, đến Quảng Nam ông bị bệnh nặng, may được một danh y chữa khỏi và truyền lại nghề thuốc.
Khi thủ lĩnh Trương Định dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp ở miền Tây, vị Bình Tây đại nguyên soái thường tới gặp thầy Đồ Chiểu để bàn quốc sự và xem ông như một vị quân sư.
Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc ta. Ông để lại rất nhiều tác phẩm, trong đó có Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Guộc, Chạy giặc, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Dương Từ - Hà Mậu…
Là nhà trí thức yêu nước, nhưng do bị mù, thầy Đồ Chiểu không thể trực tiếp đánh giặc. Thay vào đó, ông “đánh giặc bằng bút”, đúng như 2 câu thơ của ông: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm / Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Nữ thi sĩ Sương Nguyệt Anh sinh ra tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà là con gái thứ tư của thầy Đồ Chiểu. Bà từng là nữ chủ bút đầu tiên của một tạp chí ở nước ta - Nữ giới chung.
Năm 1888, thầy Đồ Chiểu mất tại Ba Tri, Bến Tre, thọ 66 tuổi. Ngày đưa tiễn nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu về cõi vĩnh hằng, cánh đồng An Đức rợp trắng khăn tang của những người mến mộ. Hiện nay, khu mộ và đền thờ của ông đều ở đây.