Sầu riêng là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều tại khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL. Trong đó, do có khí hậu đặc thù nên sầu riêng ở Tây Nguyên chín lệch vụ so với những vùng còn lại.
Hiện ở Tây Nguyên, diện tích trồng cây sầu riêng đang tăng nhanh. Theo Sở NNPTNT Đăk Lăk, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 3.000ha sầu riêng, tăng 300ha so với năm 2016. Cây sầu riêng tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Păc, TP.Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Buk, Cư Kuin…
Tại tỉnh Đăk Nông, diện tích sầu riêng hiện khoảng hơn 1.000ha. Tỉnh Lâm Đồng cũng có hàng ngàn ha sầu riêng, trong đó huyện Đạ Huoai được coi là “thủ phủ” cây sầu riêng Tây Nguyên với diện tích lên tới 2.000ha (đang cho thu hoạch), sản lượng trung bình 9 tấn/ha, chủ yếu trồng những giống cao cấp như Monthong, Ri6, Dona…
Năm 2017, sản lượng sầu riêng của địa phương này đạt trên 10.000 tấn, nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng/năm nhờ trồng sầu riêng.
Do tình trạng thâm canh quá mức mà đã có một thời gian hàng trăm ha sầu riêng tại huyện Krông Păk, Đăk Lăk bị chết do dịch bệnh. Ảnh: D.H
Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều cây sầu riêng bà con trồng xen trong vườn cà phê, vườn điều, bơ mà ngành chức năng chưa thống kê được.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nếu trồng sầu riêng đúng quy trình thì khoảng sau 3 - 4 năm tuổi cây sẽ cho thu hoạch, 5 - 7 năm tuổi đạt năng suất ổn định. Hiện nay quả sầu riêng ở Tây Nguyên bán được giá, giúp người trồng có lãi cao, tuy nhiên với thực trạng diện tích sầu riêng đang tăng phi mã như hiện nay thì chắc chắn là vài năm nữa, khi những cây mới trồng cho quả, nguồn cung dồi dào hơn thì trái sầu riêng sẽ không còn có giá bán cao như hiện nay.
Đó là chưa kể, tại các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Bến Tre, rồi khu vực Đông Nam Bộ bà con cũng đang từng ngày mở rộng diện tích trồng sầu riêng trong vườn.
Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang, vùng chuyên canh trồng sầu riêng đã được mở rộng lên gần 8.500ha, tăng hơn 1.000ha so với năm trước, tập trung tại huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Loại cây trồng này hiện vẫn đang mang lại thu nhập khá cho nông dân địa phương.
Hay tại tỉnh Bình Phước, nguồn cung không đủ cầu đã đẩy giá sầu riêng lên cao khiến người dân đang đổ xô trồng sầu riêng. Hai giống sầu riêng đang được trồng phổ biến nhất trên địa bàn tỉnh Bình Phước là giống sầu riêng Thái (Monthong) và Ri6.
Anh Trần Văn Ánh (ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, Bình Phước) cho biết: “Gia đình đang tìm mua giống sầu riêng tốt ở miền Tây để trồng xen vào vườn điều hơn 1ha. Tuy nhiên hiện nhà vườn chưa có cây giống, vì các tỉnh này cũng khan hiếm do nhu cầu tăng cao”.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hưng (ở xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) cũng đã quyết định dọn bớt vườn cà phê gần 2ha già cỗi, năng suất thấp sang trồng sầu riêng. Mặc dù giá giống sầu riêng đang rất cao, nhưng ông Hưng vẫn đầu tư trồng. Ông tính rằng, nếu chuyển đổi 2ha cà phê sang trồng chuyên canh sầu riêng, chỉ sau 3 năm khu vườn của ông có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.