Dân Việt

Chile: Ngư dân bắt được cá rồng biển dài 5m có thể "dự báo" thảm họa

Đăng Nguyễn - Mirror 12/07/2018 19:40 GMT+7
Các ngư dân nghĩ rằng họ bắt được loài rắn biển khổng lồ, nhưng đó thực ra là một con cá chuyên sống ở vùng nước sâu.

Theo Mirror, một nhóm các ngư dân kéo sinh vật biển kỳ lạ lên tàu ở Thái Bình Dương, ngoài khơi Chile.

Các ngư dân nghĩ rằng họ bắt được rắn biển dài 5 mét, nhưng đó thực chất chỉ là một loài cá khổng lồ.

Đoạn video đăng tải trên internet cho thấy cảnh các ngư dân vui sướng vì nghĩ đã bắt được quái vật biển. Đó là một con cá rồng biển (cá mái chèo) thuộc giống cái nặng khoảng 150kg.

Con cá được kéo lên khỏi Thái Bình Dương, phía bắc bờ biển Chile, gần khu resort Iquique. Trong video, có ngư dân thốt lên: “Ôi Chúa ơi! Tôi đang quay phim nó”.

img

Ngư dân bắt được cá rồng biển khổng lồ ngoài khơi Chile.

Điều phối viên nghề cá ở Caleta Cavancha, Rodrigo Olivo nói họ đã tặng con cá “khủng” cho chuyên gia Miguel Araya tại Đại học Arturo Prat, để phục vụ công tác nghiên cứu.

Araya nói trên truyền thông: “Đó là một con cá rồng biển cái. Dạ dày nó vẫn còn đầy động vật nhuyễn thể. Chúng thường chỉ sống ở vùng nước sâu, nhưng cũng thường đến vùng nước nông nếu bị ốm hoặc sắp chết”.

img

Cá rồng biển ước tính dài 5 mét, nặng 150kg.

Con cá rồng biển trên dài tới 5 mét nhưng chưa phải là dài nhất thế giới. Con dài nhất mà con người từng phát hiện dài tới 11 mét và nặng 270kg.

Trong quá khứ, người dân ở vùng ven biển thường nhầm loài sinh vật này là quái vật biển bởi vây màu đỏ đặc trưng và cách bơi lặn kỳ lạ.

img

Cá rồng biển nổi tiếng bởi khả năng "dự báo" động đất, sóng thần.

Cá rồng biển nổi tiếng bởi khả năng “dự báo” thảm họa như động đất, sóng thần. Niềm tin này xuất phát từ một truyền thuyết của Nhật Bản kể rằng, xác cá rồng biển trôi dạt ở bờ biển chính là thông điệp gửi đến từ cung điện của thần biển.

Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng, cá rồng biển chết dạt bờ có thể do những biến động của biển, thậm chí là có thể sắp xảy ra thảm họa. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra hay trực tiếp liên quan đến nhau.

Loài cá này lần đầu được phát hiện năm 1772 nhưng hiếm khi lộ diện vì chúng thường sống ở độ sâu tới 1.000m.

”Thủy quái” giống ở Nghệ An từng vào Mỹ, Philippines

“Thủy quái” giống rồng dạt bờ biển Nghệ An ngày 13.4 được gọi là cá mái chèo, loài cá dài nhất thế giới, trước...