Ngày 10.7, tại diễn dàn Khoa học công nghệ về nuôi tôm sú hữu cơ vùng ĐBSCL, Chi cục Thú y vùng VII (Cục Thú y) đã thông tin về tình hình bệnh và thiệt hại trên tôm sú 6 tháng đầu năm 2018.
Theo đó, tình hình bệnh và thiệt hại trên tôm sú xảy ra tại 157 xã, 25 huyện, 5 tỉnh nuôi tôm trọng điểm trong vùng, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh; với tổng diện tích tôm sú bị bệnh và thiệt hại gần 12.410ha (cao hơn gần 26% so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, Kiên Giang có diện tích tôm sú bị bệnh và thiệt hại nhiều nhất với hơn 7.172ha.
Tôm sú bị bệnh đốm trắng chiếm tỉ lệ cao nhất với diện tích hơn 929ha. (ảnh minh họa).
Tôm sú bị bệnh và thiệt hại chủ yếu ở giai đoạn 30-80 ngày tuổi sau thả và tập trung nhiều ở tháng 4, tháng 5. Tổng diện tích thiệt hại do bệnh là hơn 2.290ha, trong đó bệnh đốm trắng chiếm tỉ lệ cao nhất với diện tích hơn 929ha. Ngoài ra, một phần diện tích thiệt hại do môi trường với hơn 7.087ha và phần lớn diện tích chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, với hơn 3.031ha.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2017 tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước hơn 720.000ha, trong đó diện tích thả nuôi tôm sú là 621.000ha, tôm thẻ chân trắng 99.000ha. Sản lượng tôm đạt 689.000 tấn, tăng gần 5% so với cùng kỳ 2016, trong đó diện tích và sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng từ 6-10% so với cùng kỳ chủ yếu là tại vùng ĐBSCL.
Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi và sản lượng tôm sú nước ta hiện đang chiếm tỷ lệ rất cao trên thế giới (30-38%).
Đây là loài có giá trị thương mại cao, có thị trường ổn định và khả năng cạnh tranh lớn. Kế hoạch năm 2018, ngoài duy trì diện tích nuôi hiện có, các địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất, phấn đấu đạt sản lượng 720.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú là 271.500 tấn, tôm thẻ là 448.500 tấn.