Dân Việt

Apollo 13: Nghẹt thở cuộc giải cứu ngoài không gian siêu ngoạn mục

Đỗ Quyên 12/07/2018 11:13 GMT+7
Nỗ lực phi thường của đội giải cứu tại mặt đất phối hợp với đội phi hành gia Apollo 13 gặp nạn ở cách xa hàng trăm ngàn cây số đã mang lại cái kết có hậu cho thảm họa suýt trở thành chương đen tối nhất trong lịch sử NASA.

Ngày 11.4.1970, các phi hành gia James Lovell, John Swigert và Fred Haise bước lên phi thuyền Apollo 13. Người Mỹ lúc bấy giờ chắc mẩm nếu không chinh phục được vũ trụ, ít nhất họ cũng khám phá được một nơi thân thuộc như mặt trăng.

Vụ nổ đột ngột

Sau 2 chuyến hạ cánh thành công của Apollo 11 và 12, nước Mỹ kỳ vọng lần thứ ba đáp xuống mặt trăng của NASA sẽ tiếp tục thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên, lúc phi hành gia Swigert khuấy bể chứa ôxy của tàu vũ trụ sau khi bay được 56 giờ, một tiếng nổ chấn động làm rung chuyển cả khoang tàu, gây xáo trộn xuyên suốt cả thế giới. Ba nhà du hành trên chiếc Apollo 13 nhanh chóng nhận ra phi thuyền bị tê liệt. Họ sẽ không tới được mặt trăng, tệ hơn nữa là có thể không trở về nhà.

img

Các phi hành gia trên khoang tàu vũ trụ Apollo 13 rớt xuống Thái Bình Dương được đưa lên trực thăng cứu hộ Ảnh: NASA

Trong khi nhân loại hướng về những phi hành gia đang treo lơ lửng giữa sự sống và cái chết, một đội kỹ sư và chuyên gia dưới mặt đất đã chạy đua với một kế hoạch hòng đưa tất cả sống sót trở về trái đất. Trong một bộ phim tài liệu về sự kiện nêu trên của đài BBC công chiếu năm 2017, những người trong đội này được tôn vinh là những anh hùng thầm lặng giải cứu Apollo 13. Trong đó, Sy Liebergot là người đầu tiên phát hiện trục trặc của Apollo 13 khi đang làm nhiệm vụ tại bàn điều khiển nhóm Thông tin liên lạc và Môi trường điện tử (Eecom) tại trạm kiểm soát của NASA đặt ở Houston - Mỹ, cách nơi phi thuyền gặp nạn hơn 322.000 km. Sự cố xảy ra trong giờ cuối cùng của phiên trực 8 giờ của trưởng đội Eecom ở tuổi ngoài 20 này. Phiên làm việc phải tới 3 ngày sau đó mới kết thúc!

Một phần may mắn giúp chiến dịch giải cứu thành công phải kể đến việc NASA đã chọn lựa phương án chừa đường lùi cho tàu Apollo 13. Theo đó, chiếc phi thuyền phóng lên mặt trăng được chia làm 2 khoang: Odyssey (khoang điều khiển) là nơi sinh sống của các phi hành gia khi họ đi lên mặt trăng và quay về, còn khoang Aquarius được thiết kế để đáp xuống mặt trăng.

Sự cố xảy ra với bình dưỡng khí của khoang Odyssey, tức là mất khoang đi, về của các phi hành gia. Tại phòng điều khiển dưới mặt đất, Giám đốc chuyến bay Gene Kranz - nhân vật được xem như một nhạc trưởng kết nối các bộ phận riêng rẽ của sứ mệnh chinh phục mặt trăng của Apollo 13 - đã chỉ đạo đội ngũ của mình "xử lý vấn đề". Họ dự định cho phép các phi hành gia kích hoạt khoang Aquarius và dùng nó làm chỗ trú chân tạm thời. Phi hành đoàn sẽ bay vòng quanh mặt trăng để tìm cách trở về Trái đất.

Nghẹt thở

Là người chịu trách nhiệm về những hệ thống đang có vấn đề, Liebergot phải nỗ lực giữ lại được càng nhiều ôxy càng tốt để có thể cấp năng lượng cho chiếc phi thuyền bị hư hại được lâu nhất. Chuyên gia trẻ tuổi này kích hoạt các bước khẩn cấp trong trường hợp pin cấp nhiên liệu bị hỏng, tức là bắt đầu giảm bớt năng lượng cấp cho phi thuyền bằng cách giảm bớt mức tiêu hao đối với bộ pin nhiên liệu còn lại.

"Phải tìm cách giữ cho bộ pin nhiên liệu tại khoang điều khiển hoạt động được đủ lâu để các phi hành gia có thể chuyển sang khoang đáp xuống mặt trăng và kích hoạt hệ thống đó hoạt động.Chúng tôi đã thực hiện thật đúng tuần tự, đúng trình tự xử lý trục trặc để giúp bộ pin đó hoạt động được lâu hơn" - Liebergot kể lại.

Trạm kiểm soát dưới mặt đất tính toán một kế hoạch bay, trong đó tận dụng trọng lực của mặt trăng kết hợp đốt cháy nhiên liệu để đưa phi thuyền trở về. Trong khi đó, 3 nhà du hành co cụm trong khoang Odyssey - vốn chỉ được thiết kế để phục vụ 2 người - và cầu nguyện cho thiết bị chắn nhiệt của tàu không hư.

Trong hành trình trở về Trái đất, họ phải tắt tất cả hệ thống không cần thiết trên Aquarius để giảm thiểu rủi ro cháy nổ điện tử bởi khoang này không được thiết kế cho các hoạt động quá 2 ngày. Nhóm kiểm soát hành trình cũng buộc phải hy sinh nguồn điện nhằm giữ ấm cho các hệ thống dù. "Nếu các pháo phóng dù bị hỏng, chúng tôi có thể sẽ bay quá nhanh, không thể sống sót được khi đáp xuống mặt nước" - phi hành gia Lovell giải thích.

Lạnh, đói, mất nước (gần như toàn bộ lượng nước đều được dùng để làm mát các hệ thống trên khoang), 3 phi hành gia đều mất phần lớn trọng lượng cơ thể. Đáng ngại hơn, ông Fred Haise đã bị nhiễm trùng thận.

Theo BBC, trong khi đó, nhóm kiểm soát chuyến bay dưới mặt đất làm việc không ngừng nghỉ để tìm cách đưa phi hành đoàn Apollo 13 trở về. Ngày 17.4.1970, cả thế giới dường như nín thở khi 3 phi hành gia len qua khoang Odyssey và bắt đầu "hạ cánh" xuống trái đất. Chỉ khi khán giả xem truyền hình trên toàn thế giới nhìn thấy chiếc khoang của Apollo 13 treo dưới 3 chiếc dù rơi xuyên qua những tầng mây rồi rớt xuống Thái Bình Dương, những người làm việc tại trạm kiểm soát mới tin chắc rằng họ đã thành công.

Anh hùng thầm lặng

Trở về trái đất an toàn sau hành trình sinh tử, phi hành đoàn của Apollo 13 được tôn vinh như những anh hùng quốc tế. Trong khi đó, tại trạm kiểm soát ở Houston, đội giải cứu lặng lẽ nhấm nháp niềm vui thắng lợi bằng những điếu xì gà chuyền tay nhau rồi về nhà ngủ, để rồi hôm sau tiếp tục phiên làm việc mới như bình thường. Nhờ sự nhanh trí và tháo vát của họ, sự cố có thể biến thành chương đen tối nhất của NASA đã kết thúc một cách có hậu.

Ngày nay, ngồi sau bàn điều khiển của các sứ mệnh kiểm soát tàu vũ trụ đã có thêm nhiều gương mặt của phái yếu bên cạnh các đồng nghiệp nam. Nguyên tắc phối hợp trong việc điều khiển hành trình bay do kỹ sư không gian vũ trụ nổi tiếng Chris Kraft thiết lập vào những năm 1960 vẫn giữ nguyên giá trị. Đó là cần theo dõi các chuyến bay chở theo phi hành đoàn từ một phòng đơn lẻ bằng một chuỗi mệnh lệnh rõ ràng. Mỗi sứ mệnh không gian là nỗ lực của một đội. Phía sau mỗi phi hành gia là hàng trăm con người cố gắng hết mình để bảo đảm phi hành đoàn trở về Trái đất an toàn.