Dân Việt

Chợ đêm không hấp dẫn người dân

12/12/2011 06:26 GMT+7
(Dân Việt) - Khi chợ đêm ở TP.HCM đang ở hồi thoái trào thì các tỉnh ĐBSCL lại thi nhau mở chợ đêm để rồi giờ đây lần lượt giải tán.

Các chợ đêm ở ĐBSCL hiện nay hầu hết đều do Công ty CP Truyền thông Rồng Việt (TP.HCM) làm chủ đầu tư. Công ty này xây dựng tiêu chí chợ đêm là nơi kết hợp văn hóa, du lịch, vui chơi, mua sắm; biến chợ thành một không gian nghệ thuật thật độc đáo để thu hút du khách. Tuy nhiên, ý định tốt đẹp này khó thành hiện thực bởi chợ nào mới mở cũng “sung” được một thời gian ngắn rồi thưa khách dần...

img
Chợ đêm Tân An (Long An) vắng khách.

Chị Mỹ Phương – tiểu thương đang rao bán sạp tại chợ đêm Tân An (Long An) ngán ngẩm: “Ở tỉnh lẻ không có tụ điểm vui chơi giải trí nên hội chợ đêm mới khai trương, người dân ùn ùn kéo nhau đến chơi, mua sắm... Ở 2 đầu chợ đều có điểm giữ xe để khách hàng đi bộ trong chợ. Giờ thì chợ đêm ế như chợ chiều, nhiều tiểu thương đã trả sạp, mấy điểm giữ xe và lực lượng bảo vệ cũng tự động giải tán”.

Ngay tại chợ đêm Tân An, tháng 4.2011, hơn 100 gian hàng ở đây đồng loạt nghỉ bán bởi vắng khách, tiền lãi không đủ đóng tiền thuê sạp. Nhiều sạp ở chợ đêm Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long cũng bắt đầu hoạt động èo uột khi người bán nhiều hơn người mua.

Theo so sánh của nhiều tiểu thương, chợ đêm ở Biên Hòa (Đồng Nai) có lượng khách lớn bởi công nhân ở khu vực này rất nhiều. Trong khi đó, các chợ đêm ở ĐBSCL đều thành lập ở nơi ít công nhân nên chợ thường xuyên vắng khách. Ở các đô thị lớn, chợ đêm hoạt động từ 17 giờ tới 0 giờ, trong khi chợ đêm các tỉnh ĐBSCL mở cửa cùng giờ nhưng chưa đến 21 giờ ngoài đường đã... chẳng còn ai.

Ngoài ra, chất lượng hàng hoá ở các chợ đêm đều kém chất lượng. Chợ đêm Mỹ Tho (Tiền Giang) có 160 gian hàng, chợ đêm Tân An (Long An) có hơn 150 gian hàng chỉ rặt giày dép và quần áo kém chất lượng. Các chợ đêm ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau, Bến Tre... về quy mô và chủng loại hàng hóa cũng không có gì khác biệt. Các mặt hàng đa số không rõ nguồn gốc hoặc ghi toàn chữ Trung Quốc.

Ở các sạp chuyên bán quần áo lót, người bán khẳng định “hàng Trung Quốc 100%” với giá bán 3.000 đồng/quần, 20.000 - 30.000 đồng/áo. Hỏi có sợ mua phải hàng Trung Quốc có chứa chất gây ung thư không, một khách hàng cười toe: “Tụi em làm công nhân, cứ thấy chỗ nào bán rẻ thì mua thôi”.