25 năm giàu ý nghĩa
Nhân kỷ niệm 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước) phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng T.Ư Đảng, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức Triển lãm “Việt Nam - 25 năm trên đường đổi mới 1986 - 2011 qua tài liệu lưu trữ”.
Một chuyến tàu điện ở Hà Nội năm xưa. |
Với hơn 200 tài liệu và hiện vật được lựa chọn và sưu tập từ các cơ quan lưu trữ và các bảo tàng, triển lãm giới thiệu đến công chúng về bước chuyển biến mạnh mẽ của đất nước từ tư duy đến hành động mà dấu ấn quan trọng nhất là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12.1986). Triển lãm cũng giới thiệu với người xem những thành tựu của đất nước trong hành trình 25 năm đổi mới, hội nhập, phát triển...
Trong sổ ghi cảm tưởng tại triển lãm, ông Văn Tất Thu - Thứ trưởng Bộ Nội vụ viết: "Triển lãm bằng những tài liệu lưu trữ và hiện vật phản ánh trung thực những thành tựu to lớn của nhân dân, của đất nước trong sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Phần 1 của cuộc triển lãm thể hiện một hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập và phát triển theo 3 nội dung: Những trăn trở, tìm tòi và thử nghiệm; Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng quyết định đường lối đổi mới; Một số thành tựu của công cuộc đổi mới.
Các hình ảnh, hiện vật của phần này tập trung thể hiện sự cần thiết, đúng đắn của công cuộc đổi mới, trong đó nhấn mạnh vai trò của Đảng và Nhà nước ta trong việc định ra phương hướng, đường lối, quyết sách thích hợp để phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.
Các hình ảnh cũng thể hiện thành tựu đổi mới của Việt Nam trên các lĩnh vực: kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội, ngoại giao. Chị Trần Thị Tường Vi (Gia Lai) - một người xem triển lãm, chia sẻ: “Thật xúc động khi được chiêm ngưỡng những hình ảnh phát triển mạnh mẽ của đất nước. Càng xem càng tự hào mình là người Việt Nam”.
Sống lại một quãng đời
Đến triển lãm những ngày qua, nhiều người đã có những khoảng lặng, bồi hồi khi xem những hình ảnh, tư liệu trong phần chủ đề "Việt Nam trước những năm trước đổi mới".
Tem phiếu mua hàng. |
Đây những tài liệu thể hiện một đất nước hòa bình, thống nhất, cả nước tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, bước vào công cuộc xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, đi lên chủ nghĩa xã hội. Những hình ảnh không chỉ nhận được sự quan tâm đặc biệt của những người dân Việt Nam mà còn tạo nên sức hấp dẫn và thú vị của khách nước ngoài.
Đó là hình ảnh người ngồi chen chúc trên nóc một chuyến tàu hỏa trong bức ảnh "Một chuyến tàu hỏa thời kỳ đổi mới"; những chuyến tàu điện ở Hà Nội luôn trong tình trạng chật kín khách hay người dân xếp hàng mua lương thực, thực phẩm theo tem phiếu thời kỳ bao cấp (trước năm 1985).
Rất nhiều khách tham quan ở tầm tuổi 30- 40 rất quan tâm đến những hiện vật độc đáo như là cuốn sổ đăng ký mua lương thực năm 1988 của gia đình ông Phan Văn Sinh (xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) hay Phiếu thực phẩm loại C năm 1973 của Bộ Nội thương phát hành được Xí nghiệp Sửa chữa đồng hồ cấp cho bà Nguyễn Thị Bảy ở phố Hàng Khoai (Hà Nội)...
Anh Bùi Trung Nam (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi như gặp lại tuổi thơ mình thông qua những hiện vật này. Cuốn sổ mua lương thực hay những ô tem phiếu là những hình ảnh đã gắn liền với đại đa số người dân Việt Nam trong suốt giai đoạn 1976-1986, khi lương thực, thực phẩm, đồ dùng... trong cuộc sống hàng ngày không được mua bán trên thị trường mà chỉ được phân phối theo chế độ tem phiếu.
Ông Hoàng Trường - Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước
Nhớ hồi đó, tôi là con lớn, bố mẹ thường giao cho nhiệm vụ mang sổ đi xếp hàng để mua gạo. Từng hàng người rồng rắn, rất nhiều học trò như tôi mang cả sách vở ra tranh thủ học lúc đứng xếp hàng. Thật là những kỷ niệm ấm ấp không thể nào quên”.
Bác Nguyễn Thanh Tâm (45 tuổi, khu tập thể Thành Công, Hà Nội) bồi hồi: “Nhìn lại những hình ảnh này, tôi như được sống lại một quãng đời nhiều vui buồn. Lúc đó mọi thứ đều phân phối, đồng tiền không lưu thông nhiều như bây giờ. Phải là người của thời bao cấp mới hiểu câu nói đùa “mặt buồn như mất sổ gạo” là thế nào...”.
Thực sự với nhiều người xem triển lãm, những tư liệu về một thời bao cấp thiếu thốn về vật chất không hẳn là những bức tranh có gam màu buồn mà đã khơi dậy ký ức bùi ngùi, xúc động về những năm tháng hăng say lao động, ấm áp nghĩa tình...
Hoàng Minh