Thương vụ Mobifone mua AVG đã không “chìm xuồng”. (Ảnh: IT)
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, mặc dù đã phải chờ đợi rất lâu khiến nhiều người nghĩ vụ việc đã bị “chìm xuồng”, nhưng sau khi Tranh tra Chính phủ có kết luận và tiếp đến là Kết luận của UBKT Trung ương thì nay đã có bước tiếp theo xử lý về mặt pháp luật với quyết định khởi tố 2 cá nhân có liên quan.
Chắc chắn, vụ việc chưa dừng lại ở đây vì cơ quan điều tra đã đưa ra dấu hiệu về mặt hình sự và khởi tố 2 cá nhân, còn phải chờ làm rõ theo đúng quy trình, thủ tục đối với các cá nhân khác.
“Có cán bộ thuộc diện quản lý của Ban chấp hành TƯ, có cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Bí thư nên cần phải chờ xử lý về mặt Đảng trước, sau khi có kiến nghị của UBKT Trung ương nên chúng ta cần phải đợi các cơ quan tiến hành xử lý theo đúng quy trình”, ông Long nói.
PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, không phải cứ hoàn trả tiền là thoát tội. (Ảnh: IT)
Phân tích về vụ việc chỉ ít ngày sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận, các cá nhân có liên quan đã hoàn trả cơ bản số tiền thất thoát trong thương vụ này cho Nhà nước, ông Ngô Trí Long cho rằng: Trước đó tôi đã khẳng định, không phải cứ hoàn trả tiền là thoát được tội.
“Tôi ví dụ, tôi đi ăn cắp, bị phát hiện tôi trả lại thì chỉ là một trong những tình tiết được xem xét giảm nhẹ tội chứ hành vi ăn cắp thì đã cấu thành. Đó là còn chưa kể tới phải xem hành vi trả lại vào thời điểm biết không thể thoát tội mới trả có yếu tố muốn “chạy tội” hay không”, ông Long nhấn mạnh.
Ông Long cũng cho rằng, từ quyết định khởi tố 2 cá nhân đầu tiên trong thương vụ này cho thấy, công cuộc chống tham nhũng không có hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”, làm đúng trình tự thủ tục quy tắc và tuân thủ theo đúng pháp luật.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, tùy theo mức độ vi phạm khác nhau phải có cách xử lý khác nhau. (Ảnh: IT)
Cùng chung nhận định trên, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Tùy theo mức độ vi phạm khác nhau phải có cách xử lý khác nhau với thương vụ được dư luận đặc biệt quan tâm này. Đầu tiên là Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận, sau đó là Ủy ban Kiểm tra TƯ chỉ đề nghị xử lý với các cán bộ thuộc diện Ban Bí thư và Ban Chấp hành TƯ quản lý và các cơ quan này phải tiếp tục xem xét xử lý về mặt Đảng. Sau đó mới xem xét về mặt chính quyền và cuối cùng các cơ quan tư pháp mới tiến hành các bước tiếp theo.
“Theo tôi, đây là một quyết định rất kịp thời của các cơ quan chức năng, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân khi đang theo dõi việc xử lý các cá nhân có liên quan tới thương vụ này. Tôi nghĩ những người tham gia có cố gắng hoàn trả khoản tiền thì đó là một trong tình tiết xem xét giảm nhẹ tội nhưng không thể xóa được việc làm sai trái đã diễn ra. Những người liên quan còn tiếp tục xem xét xử lý tiếp vì chắc chắn vụ việc này không chỉ có 2 người mà còn nhiều người liên quan chịu trách nhiệm tiếp, công lý sẽ được thực thi nghiêm minh”, ông Doanh nhấn mạnh.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thông tin mật và đã bị “ỉm” đi rất lâu khiến nhiều người đã tưởng như vụ việc này đã bị “chìm xuồng” (Ảnh: IT)
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính khẳng định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng và được dư luận đặc biệt quan tâm nên việc cơ quan điều tra khởi tố 2 cá nhân có liên quan đầu tiên trong thương vụ này cho thấy vụ việc đã không bị “chìm xuồng”.
Theo ông Thịnh, từ tháng 8.2016, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện dự án này nhưng phải mất tới 2 năm mới đưa ra được kết luận.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, dù kết luận của TTCP về thương vụ này là rất chậm nhưng kết luận được ban hành cũng là điều đáng mừng.
Thực tế, trước đó mỗi khi nhắc tới thương vụ này thì các cơ quan chức năng thường nói là số liệu mật, thông tin mật và đã bị “ỉm” đi rất lâu khiến nhiều người đã tưởng như vụ việc này đã bị “chìm xuồng”. Bản chất vấn đề là vụ việc tương đối phức tạp, liên quan tới nhiều ban, ngành… Rõ ràng người ta nghĩ rằng có thế lực lớn đứng đằng sau. Chỉ khi Ban Bí thư ra chỉ thị buộc làm rõ, tiếp đến Thanh tra Chính phủ vào thanh tra và Ủy ban Kiểm tra T.Ư xử lý, công bố kết luận và tiếp đến là quyết định khởi tố vụ án của cơ quan điều tra.
"Cách xử lý bài bản và toàn diện trong vụ việc này đã lấy lại lòng tin cho nhân dân, những người luôn quan tâm và luôn dõi theo thương vụ mua bán này, giúp nhân dân củng cố niềm tin vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta", ông Thịnh đánh giá.
Ông Thịnh cũng nhấn mạnh, đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, có sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành khác nhau. Không chỉ Mobifone mà còn rất nhiều người liên quan, trong đó kết luận của các cơ quan chức năng cũng cho thấy nhiều lãnh đạo của Bộ TTTT cũng có những sai phạm.
“Thương vụ Mobifone mua AVG đến nay đã hiện rõ không chỉ là vụ án thông thường giữa các doanh nghiệp với nhau mà còn liên quan tới nhiều cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước. Do đó, trong vụ việc này vẫn còn phải cần kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ để tìm ra móc nối, tìm đúng người, đúng tội, xử lý nghiêm minh để đủ sức răn đe các cán bộ có cương vị trong doanh nghiệp và cơ quan chủ quản của nền kinh tế”, ông Thịnh phân tích.