Dân Việt

Có hay không “lợi ích nhóm” đằng sau động thái tăng phí rút tiền nội mạng ATM?

Lê Thuý 12/07/2018 08:43 GMT+7
Hai tháng thì cũng có đến 2 lần Big Four ngành ngân hàng “bắt tay” nhau đòi tăng phí rút tiền nội mạng ATM và đều bị Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi”. Liệu động thái cùng “tăng phí nội mạng” của những “ông lớn” này là sự “trùng hợp” ngẫu nhiên hay có yếu tố “lợi ích nhóm” trong câu chuyện tăng phí này?

Thông báo áp dụng biểu phí mới, tăng phí rút tiền nội mạng được nhóm Big four ngành ngân hàng phát đi đều nâng mức phí rút tiền nội mạng ATM từ 1.100 đồng/lần lên 1.650 đồng/lần và có hiệu lực từ ngày 15.7. Kế hoạch tăng phí này có từ hồi tháng 5, tuy nhiên không nhận được sự động thuận từ dư luận.

Chất lượng bỏ ngỏ, “bắt tay nhau” tăng phí

Trao đổi Dân Việt, ông Ngô Văn Túy (Hoài Đức, Hà Nội), một người đang dùng thẻ ATM của một “ông lớn” ngân hàng, tính toán hiện nay với tài khoản ATM mà ông Túy đang sử dụng ước tính mỗi tháng ông phải chi trả trên 24.000 đồng tiền phí các loại trong 1 tháng, chưa kể mỗi lần phát sinh giao dịch đều phải trả tiền. Ví dụ như rút tiền nội mạng thì mất 1.100 đồng/giao dịch. Mỗi tháng trung bình ông Túy rút khoảng 4 -5 lần, như vậy cũng tổng cộng phải mất tới 30.000 đồng/tháng. Đây là số tiền không hề nhỏ so với chất lượng dịch vụ mà ông Túy nhận được từ phía ngân hàng.

“Sử dụng dịch vụ thì phải trả tiền, đó là nguyên tắc trong mua/bán, giao dịch. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi thấy người sử dụng dịch vụ yếu thế. Ví như tôi đi mua 1 chiếc áo nếu ưng tôi mới phải trả tiền, còn sử dụng thẻ ATM của các ngân hàng thì lại khác. Nhiều khi tôi đi rút tiền gặp trường hợp máy lỗi, khi thì hết tiền. Mất thẻ hay bị nuốt thẻ gọi lên ngân hàng thì mất nhiều thời gian, báo bận. Mà gọi được rồi chờ giải quyết cũng không phải là ngay lập tức được phản hồi, nói chung họ vẫn lại yêu cầu chờ đợi. Chất lượng phục vụ còn hạn chế nhiều” ông Túy bình luận.

img

Ảnh: Vietstock

Cũng phàn nàn về chất lượng dịch vụ thẻ ATM, bà Vũ Thị Bích Hồng (Kim Mã, Hà Nội), cho biết ngày trước khi mở thẻ ATM thì ngân hàng khuyến mại đủ thứ, nhưng khi dùng mới biết hết phí thường niên, phí SMS lại còn có cả phí rút tiền.

“Ngay cả rút tiền nội mạng tại cây ATM của ngân hàng cũng mất phí. Trong khi đó, có những cây ATM tự dưng "chết", khách xếp hàng dài cả nửa tiếng mới rút được tiền. Dịch vụ như vậy sao bắt khách hàng trả thêm? Tăng thêm 500 đồng tiền phí cho mỗi giao dịch rút tiền có thể không đáng bao nhiêu nhưng hạn mức rút tiền thấp sẽ buộc khách hàng phải rút tiền nhiều lần, theo đó tiền phí cứ thế đội lên không ít”, bà Hồng phàn nàn.

“Tăng phí cái người chịu ảnh hưởng đầu tiên là khách hàng, là mỗi người dân. Do vậy, tăng phí phải có cơ sở chứ không phải thích tăng”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, bình luận.

Giải thích cho việc tăng phí theo lộ trình, các ngân hàng cho rằng một giao dịch tại ATM các nhà băng phải chi trả là từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng, bao gồm chi phí thuê chỗ đặt máy, đường truyền, máy móc, điện, bảo trì, chi phí cho việc vận chuyển tiền mặt tới các máy ATM. Ngoài ra, theo các ngân hàng, số tiền để tại các máy ATM gần như không sinh lãi và phải duy trì đều đặn để đảm bảo máy luôn hoạt động. Như vậy, dù tăng phí nhưng dường như ngân hàng vẫn đang phải chịu lỗ cho dịch vụ ATM?

Về vấn đề này, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng người dân họ không cần biết là các ngân hàng thu phí đầu tư vào đâu, làm cái gì, bù lỗ hay lãi. “Cái nhìn thấy được là chất lượng dịch vụ có tăng không, cái giá trị gia tăng mang lại của anh có phù hợp với việc tăng phí hay không. Đấy mới là cơ sở để các ngân hàng tăng phí. Hiện nay, chất lượng dịch vụ vẫn là điều mà nhiều ngân hàng đang bỏ ngỏ đối với người sử dụng ATM”, ông Tuấn phân tích.

Theo ông Tuấn, trong thời gian vừa qua hàng loạt những vụ việc liên quan đến tài khoản ATM ngân hàng bị bốc hơi, tiền trong tài khoản của khách hàng không cánh mà bay trong khi đó khách hàng vẫn đang giữ thẻ trong tay. Điều này không chỉ xảy ra ở 1 ngân hàng mà có nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng này, đặc biệt là các ngân hàng lớn có thị phần khách hàng sử dụng thẻ cao như Vietcombank chẳng hạn.

“Thực tế này đã cho thấy cách bảo mật thông tin, giữ an toàn cho các khách hàng đang là vấn đề đối với các NHTM. Không phải tiền tự nhiên bốc hơi thì khách hàng phải chịu, Ngân hàng làm dịch vụ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trong với vấn đề này.

Chất lượng dịch vụ như thế thì làm sao có thể tăng phí đối với khách hàng, nên việc áp dụng tăng phí như vậy đã gây ra sự phản đối trong dư luận”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Câu chuyện lợi ích nhóm, tận thu người sử dụng

Trước động thái “đồng loạt” cùng tăng phí của nhóm Big Four ngân hàng, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế thiếu cạnh tranh, có yếu tố “lợi ích nhóm” chính là 1 phần căn nguyên của vấn đề.

“Thực tế hiện nay của chúng ta là câu chuyện “lợi ích nhóm”. Hễ cứ thấy ngân hàng này thu phí/ tăng phí là ngân hàng khác cũng chạy theo, vậy quyền lợi của người dân ở đâu?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

img

Ảnh: Vietstock

Theo ông Tuấn, nếu như ngân hàng này thu phí cao người dùng có thể lựa chọn ngân hàng thu phí thấp hơn hoặc không mất phí để sử dụng dịch vụ. Đây mới là thị trường cạnh tranh.

“Nhưng ở Việt Nam thì khác, thấy ngân hàng này thu thì ngân hàng khác cũng thu, ngân hàng này tăng phí thì ngân hàng khác cũng không ngoại lệ. Kết lại người dân phải gánh hết mọi loại phí. Khi nào loại bỏ được “lợi ích nhóm” để vận hành đúng theo cơ chế thị trường cạnh tranh thì lúc đó câu chuyện về phí mới được giải quyết triệt để”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích.

Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 của Chính phủ, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Với dấu hiệu tăng phí dịch vụ và mê hồn trận của phí dịch vụ các loại, không rõ mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt của nền kinh tế sẽ được giải quyết thế nào?

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm nhiều quốc gia khác, có những giao dịch không áp phí như in sao kê, chuyển khoản nội mạng hay rút tiền nội mạng.

“Khi khách hàng gửi tiền, bản thân ngân hàng đã có thể sử dụng số tiền đấy để sinh lời, cho vay tạo lợi nhuận nên việc bắt khách hàng phải chịu các loại phí như rút tiền nội mạng, chuyển tiền cùng hệ thống là không hợp lý”, ông Hiếu bày tỏ quan điểm.

Ông Hiếu bày tỏ sự thông cảm với các ngân hàng khi họ phải bỏ chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin rất là lớn, đặc biệt là hạ tầng cơ sở chẳng hạn như máy ATM đầu tư hay công nghệ thông tin.

“Nhưng mà khách hàng là người cho ngân hàng vay tiền nên hơn hết giảm được phí tối đa tốt chừng nào hay chừng đó. Tuy nhiên, nên khuyến khích người dân gửi tiền và hạn chế dùng tiền mặt thay vì áp phí và tăng phí như thực tế hiện nay”, ông Hiếu bình luận.

Về đề xuất ngừng thu phí rút tiền nội mạng ATM, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT công ty luật Basico, chỉ ra rằng việc ngừng thu phí các giao dịch nội mạng cũng chưa hẳn đã là hợp lý, bởi như thế sẽ đánh đồng người sử dụng dịch vụ và người không sử dụng dịch vụ.

“Người nào dùng dịch vụ nhiều thì trả phí nhiều, ai không dùng không phải trả - đó là nguyên tắc. Quan trọng là thu thế nào, thu bao nhiêu. Mỗi ngân hàng sẽ có mức thu khác nhau tùy vào mức độ đầu tư, dịch vụ của mình, chứ không phải là nhìn thấy họ thu phí/tăng phí mà chạy theo như hiện tượng nhóm Big Four ngân hàng thời gian vừa qua”, ông Đức phân tích.