Vài tháng trở lại đây, tại địa bàn xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), người nuôi dông thấp thỏm âu lo vì không tìm được đầu ra. Nhiều lứa dông đã đến tuổi trưởng thành nhưng thương lái vẫn không đến mua, khiến người nuôi phải miễn cưỡng giữ lại chuồng, vừa phải tốn thêm chi phí cho ăn, dông lại quá lớn dẫn đến khó bán.
Anh Võ Nhân Tạo cho đàn dông ăn
Hơn 2 tháng qua, trại dông gần 1 sào đất của anh Võ Nhân Tạo (thôn Thiện Sơn, xã Thiện Nghiệp) dần trở nên chật chội hơn. Lí do bởi lứa dông thịt anh nuôi đã quá tuổi xuất chuồng nhưng không có thương lái nào hỏi mua. Trong khi các đàn dông nhỏ được anh tách chuồng nuôi riêng ngày một lớn khiến cho trại dông ngày thêm đông đúc. “Nhiều ngày qua, mình cũng đã hỏi dò các mối lái quen biết, nhưng ai cũng từ chối đến mua vì nhu cấu thị trường rất thấp. Vì vậy các lứa dông hơn 1 tuổi vẫn phải nằm lại” – anh Tạo nói.
Trại dông của ông Lê Văn Tư ở thôn Thiện Sơn cũng trong tình cảnh ấy. Nhiều lứa dông thịt của ông đã lớn đến mức gần đạt trọng lượng 0,5 kg/con, nhưng vẫn chưa tìm được đầu ra để xuất chuồng. Ông Tư cho biết, nếu như ở thời điểm này năm ngoái, giá dông luôn ở mức cao từ 600.000đ đến 700.000đ/kg thì năm nay giá thu mua đang ở mức thấp hơn khoảng 100.000đ mỗi ký. Trong khi đó, thương lái rất hạn chế bắt dông vì cho rằng không có đầu ra.
Được biết, tình trạng dông tới tuổi thu hoạch nhưng chưa thể xuất chuồng tại xã Thiện Nghiệp đã diễn ra từ đầu năm 2018 đến nay. Riêng gần 2 tháng trở lại đây, đầu ra của loài đặc sản đất cát này ngày một khó. Thông thường, con dông sau khi được sinh sản thì phát triển khoảng 1 năm là có thể bán thịt. Nhưng tại nhiều trại nuôi ở Thiện Nghiệp, dông đã quá tuổi, cân nặng vượt mức ưa chuộng của thị trường (từ 5-8 con/kg) vẫn không tìm được đầu ra.
Dông thịt quá trọng lượng nhưng các hộ nuôi chưa thể xuất chuồng vì gặp khó đầu ra
Dông thịt không bán được kéo theo tình trạng dông giống cũng không thể xuất chuồng. Hiện tại, giá con giống cũng được bán tương tự với giá thịt, thua xa mức giá thời điểm trước tết Nguyên đán năm ngoái. Theo một số thương lái chuyên thu mua dông, sở dĩ thị trường đầu ra của con nuôi này tại xã Thiện Nghiệp gặp khó là do nguồn dông thịt tại một số địa bàn khác cũng đang rất dồi dào, đặc biệt là dông từ Khu Lê (huyện Bắc Bình).
Điều này khiến cho thị trường tiêu thụ chính là khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né khá dồi dào nguồn cung. “Thời gian qua, do sức tiêu thụ trên thị trường giảm, nhu cầu của thị trường đi xuống nên đã ảnh hưởng đến các hộ nuôi dông trên địa bàn xã, qua đó cũng tồn đọng lại một số lượng lớn dông do bà con tiêu thụ không được. Trước mắt chúng tôi tiếp tục vận động một số hộ chăn nuôi dông cố gắng duy trì mô hình và mở rộng đầu ra trong thời gian sắp tới” - ông Trần Minh Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp cho biết thêm.
Địa bàn xã Thiện Nghiệp hiện có khoảng 80 hộ nuôi dông thương phẩm…Bên cạnh thị trường chính là các khu du lịch tại Hàm Tiến – Mũi Né, các thương lái còn thu mua dông Thiện Nghiệp để phân phối ra các tỉnh thành khác trên cả nước. Tuy nhiên, thị trường ở các tỉnh đều không còn tiêu thụ mạnh như trước, dẫn đến tình trạng dông thịt đến tuổi trưởng thành bị ùn ứ. Hệ quả trước mắt, đã có một số hộ nuôi không mặn mà đầu tư mở rộng. Số khác thì chỉ chăm sóc cầm chừng để chờ thời điểm dông tìm được đầu ra trở lại.