Ban đầu, một số chuyên gia Mỹ lạc quan cho rằng, Iran hay Nga và Trung Quốc sẽ chẳng học hỏi được gì từ chiếc máy bay tàng hình tối tân RQ-170 Sentinel (UAV) vì nó chỉ còn là những mảnh vụn vô giá trị do cơ chế tự phá hủy của loại máy bay này.
Chiếc RQ-170 còn nguyên vẹn được trưng bày tại Iran. |
Tuy nhiên, nay chiếc UAV được đưa ra trưng bày vẫn còn nguyên vẹn khiến Mỹ trở nên bối rối. Theo một số chuyên gia, việc chiếc UAV còn nguyên vẹn chứng tỏ chiếc máy bay này không phải bị bắn hạ như Iran tuyên bố.
Nếu Tehran hạ nó bằng các phương tiện tấn công điện tử hay bất kỳ loại vũ khí phòng không nào thì nó cũng không thể còn nguyên vẹn như vậy được.Còn nếu theo ý kiến của Mỹ, chiếc máy bay bị rơi vì lỗi kỹ thuật thì cũng là điều không thể vì chiếc RQ-170 Sentinel chắc chắn sẽ phải hư hỏng nặng nếu rơi từ độ cao trên 15.000 m.
Đến nay, nguyên nhân chiếc tàng hình tối tân (UAV) RQ-170 Sentinel của Mỹ rơi vào tay Iran đang phần nào được giải mã.
Theo Tân Hoa xã, tờ “Quan điểm” của Nga đã tiết lộ: Chiếc RQ-170 không phải rơi do hệ thống phòng không của Iran bắn hạ, mà do bị hệ thống tác chiến điện tử 1L222 Avtobaza của Nga được trang bị cho quân đội Iran gây nhiễu và cưỡng bức hạ cánh. Một số hệ thống tác chiến điện tử 1L222 Avtobaza này mới được Nga cung cấp cho Iran hồi tháng 10 vừa qua.
Tuy Liên Hợp Quốc cấm Nga xuất sang Iran các hệ thống vũ khí hiện đại trong đó có hệ thống tên lửa phòng không S-300, nhưng hệ thống trinh sát và chế áp điện tử 1L222 Avtobaza lại không nằm trong danh mục vũ khí bị cấm.
Hệ thống tác chiến điện tử 1L222 Avtobaza. |
Các chuyên gia cho biết, hệ thống 1L222 Avtobaza được tạo nên bởi các trang bị chế áp điện tử và thiết bị trinh sát bị động, chủ yếu dùng cho việc gây nhiễu các radar của máy bay trinh sát và hệ thống radar dẫn đường cho tên lửa không đối đất đặt trên máy bay đối phương.
Ngoài ra, hệ thống 1L222 Avtobaza còn có thể xâm nhập mạng thông tin dẫn đường của UAV để gây nhiễu và chiếm quyền điều khiển từ xa.
Theo hiệp ước ký giữa Nga và Iran, hồi tháng 10 vừa qua, Iran đã nhận được một số hệ thống này và được họ sử dụng chủ yếu cho việc tìm kiếm các mục tiêu có bức xạ điện từ, tiến hành trinh sát phân tích các tín hiệu bức xạ bị động, nhanh chóng xác định tọa độ, các tham số và kiểu loại của radar đối phương.
Điều người Mỹ lo ngại có thể trở thành hiện thực: Iran bắt sống chiếc siêu UAV tàng hình bằng thiết bị của Nga thì chẳng có lý gì có thể ngăn cản việc họ cho phép Nga cùng nghiên cứu món quà công nghệ quân sự vô giá này.
Theo tiết lộ của báo Mỹ, lo ngại về khả năng những kỹ thuật tối tân mà chiếc RQ-170 sở hữu lọt vào tay các đối thủ, Lầu Năm góc đã cân nhắc đến khả năng tiến hành một chiến dịch bí mật trong lãnh thổ Iran để cướp lại hoặc phá hủy chiếc máy bay tàng hình.
Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó bị hủy bỏ vì Mỹ sợ rằng nó có thể gây bùng nổ chiến tranh với Iran.