Sốc với TPCN trị khỏi bệnh gout trong 3 tháng đến 6 tháng (Ảnh: CTV)
Nhập vai người mua hàng
Trung tuần tháng 6.2018, sau khi nhận được nguồn thông tin tố giác của người tiêu dùng về hành vi bán TPCN chưa được cấp phép của một công ty có văn phòng tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, phóng viên đã vào vai người mua hàng để xác minh.
Theo như quảng cáo về các sản phẩm của công ty này, tác dụng của TPCN nhưng lại được giới thiệu như thuốc trị bệnh, có tác dụng trị gout, mỡ máu, tiều đường…
Tại văn phòng Công ty Cổ phần Facenco địa chỉ 67 Đinh Bộ Lĩnh, P26 quận Bình Thạnh, phóng viên được tiếp đón và tư vấn nhiệt tình. Đầu tiên là sản phẩm liên quan đến bệnh tiểu đường có tên là Cotipa 200, trên bao bì sản phẩm này ghi là thực phẩm chức năng nhưng lại được nhân viên công ty này khẳng định là thuốc.
Một nhân viên của Công ty Cổ phần Facenco cho biết “Cái này có thể thay thế được thuốc tây luôn nhưng mình phải uống duy trì trong 2-3 tháng”, nhân viên này khẳng định.
Thậm chí, nhân viên Công ty CP Facenco còn nhấn mạnh: “nó là thuốc đó anh, nhưng đăng ký với Bộ y tế thì phải đăng ký là TPCN, chứ nó là thuốc thay thế được thuốc tây nha anh”, vị này quả quyết.
Mặc dù khẳng định là thuốc nhưng nhân viên Công ty CP Facenco lại lý giải: “Sản phẩm bên em từ thảo dược không gây tác dụng phụ, được Bộ y tế cấp chứng nhận. Đa số bệnh nhân của bên em dùng hiệu quả rồi người ta giới thiệu cho người khác, đa số bên em quảng cáo trên Facebook, google ».
Từ những thông tin do nhân viên Công ty CP Facenco cung cấp, phóng viên đã tra cứu trên Hệ thống cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm ( bộ Y tế) thì hệ thống này hiển thị Công ty CP Facenco mới chỉ có duy nhất một bản xác nhận công bố cho sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe COTIPA200 vào ngày 27. 10.2017.
Đối chiếu với sản phẩm công ty CP Facenco bày bán thì 3 sản phẩm còn lại gồm: Btanol 500 (hỗ trợ tăng cường isulin), Gotarin 100 (hỗ trợ điều trị Gout) và Motafin 300 (hỗ trợ điều trị mỡ máu) đều chưa được Cấp xác nhận công bố nhưng công ty này vẫn tổ chức tư vấn bán hàng, nghiêm trọng hơn qua lời quảng cáo họ còn tự nhận đó là thuốc đặc trị bệnh.
Quản lý thị trường đã thu giữ hơn 2.600 sản phẩm TPCN của Công ty Cổ phần Facenco (Ảnh: CTV)
Thu giữ 2.600 hộp TPCN
Chiếu theo quy định trong lĩnh vực quản lý lưu thông hàng hóa là thuốc, thực phẩm chức năng nếu chưa được cấp xác nhận đủ điều kiện về chất lượng thì dù chỉ một hộp bán ra thị trường đã là hành vi vi phạm. Từ nhận định trên, nhóm phóng viên đã chủ động liên hệ, cung cấp thông tin, tài liệu tới Chi Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh để phối hợp vào cuộc, xác minh, làm rõ.
Không lâu sau khi tài liệu được chuyển đến lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Min, ngày 19. 6.2018, Đội QLTT Bình Thạnh phối hợp với công an phường 26, quận Bình Thạnh đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh tại Công ty CP Facenco. Kết quả đoàn kiểm tra lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa tại Công ty Facenco gồm: hơn 2.600 hộp thực phẩm chức năng các loại; 47 kg thuốc gia truyền trợ thần hoàn dạng viên không rõ xuất xứ.
Dù chỉ là TPCN nhưng giới thiệu như thuốc có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh gout (Ảnh: CTV)
Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện tại Kho của Công ty còn chứa bao bì dụng cụ dùng để đóng gói gồm: 24 kg vỏ hộp giấy; 02 kg vỏ hộp nhựa; 100 g tem nhãn. Giám đốc công ty là ông Lê Đình Hoàng Sơn chỉ xuất trình được hóa đơn bán hàng (mua vào) để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của 200 hộp Cotipa 200, số còn lại ông Sơn xin được xuất trình bổ sung sau. Ông Sơn trình bày: Công ty mua thuốc gia truyền trợ Thận Hoàn (dạng viên) về dùng dụng cụ bao bì, tem nhãn để sang chiết, đóng gói sản phẩm Btanol 500, Motafin 300, Gotarin 100 tại Công ty để bán ra thị trường.
“Đối với trường hợp của ty Cổ phần Facenco địa chỉ 67 Đinh Bộ Lĩnh, P26 quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, tôi được biết phía QLTT TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định xử phạt. Chúng tôi cũng nhận được phản ánh, có ¾ sản phẩm của công ty này không có giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Chúng tôi sẽ cho cán bộ trực tiếp kiểm tra, nếu đúng như báo chí phản ánh sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Phong - Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh. |
Ông Nguyễn Văn Bách - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết: ''đối với trường hợp này chúng tôi đánh giá cao tinh thần phối hợp của cơ quan báo chí, đặc biệt là các phóng viên đã cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng để cùng phối hợp để kiểm tra, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm đối với đơn vị này. Qua đó cho thấy vi phạm của đơn vị này về số lượng, chủng loại là rất lớn nên chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật'', ông Bách nói.
Trao đổi với Dân Việt, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết: Trong thời gian qua, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa đăng ký bản công bố với cơ quan quản lý, đặc biệt kinh doanh qua mạng điện tử có chiều hướng diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.
Ngày 19.6.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc “Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền”. Để thực hiện nghiêm túc, kịp thời Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Cục An toàn thực phẩm – Tổ trưởng tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế và Trưởng ban Ban quản lý ATTP các tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng trong ngành nhanh chóng triển khai các biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc đông y trên địa bàn.
“Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, chúng tôi đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra và xử lý hàng loạt các vụ kinh doanh TPCN với các lỗi vi phạm như: không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; không có giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm...”, ông Phong nói.
Một số các công ty bị xử phạt từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng gần nhất phải kể tới: Công ty TNHH thực phẩm VINA; Công ty TNHH SX-TM Đông dược Thiên Phúc; Công ty Cổ phần dược phẩm quốc tế USA; Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Hoa Sen; Công ty TNHH dược mỹ phẩm Quyên Lara Việt Nam…