Dân Việt

Chuyện ly kỳ bây giờ mới kể về những “người rừng” chăm voọc như…con

Phan Phương 14/07/2018 07:10 GMT+7
Tôi trở lại Thạch Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) nơi có những con người đang ngày đêm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, canh giữ, chăm bẵm đàn voọc Hà Tĩnh (một loài linh trưởng quý hiếm có tên trong sách đỏ) như những đứa con thơ.

Đã hơn 5 năm trôi qua, nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này đang sinh sôi một cách kỳ diệu. Còn ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Thanh Tú, người lính biên phòng về hưu, nhóm trưởng nhóm tự nguyện bảo vệ đàn voọc thì trở thành nơi hội ngộ của những người yêu loài voọc đến từ khắp nơi trên thế giới…

Khi voọc sống cạnh người

Những lèn đá vôi trùng điệp chạy dài từ xã Thạch Hóa đến xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình không biết từ bao giờ đã trở thành nơi cư trú và sinh trưởng của loài voọc gáy trắng (còn gọi là voọc Hà Tĩnh) quý hiếm mà người dân nơi đây vẫn gọi là loài vượn. Cụ Nguyễn Văn Đồng (79 tuổi) kể lại, ngày xưa, loài vượn nhiều vô kể, chúng sống yên bình, kiếm ăn và đùa nghịch trên những lèn đá. Chúng có hàng chục đàn, mỗi đàn được dẫn dắt bởi một con đực đầu đàn chiếm cứ một ngọn lèn làm lãnh địa riêng. Hình như loài này chỉ ăn các loại lá cây rừng mà không ăn các loài quả như các loài linh trưởng khác.

img

   5 năm qua ông Nguyễn Thanh Tú (áo bộ đội) vẫn miệt mài canh giữ và vận động người dân cùng bảo vệ đàn voọc. Ảnh: P.P

Ghi nhận công lao của nhóm bảo vệ không công đàn voọc gáy trắng quý hiếm,  ngày 4.5.2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình tổ chức trao bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh cho ông Nguyễn Văn Hồng. Trước đó, tháng 3.2016, ông Nguyễn Thanh Tú cũng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích phát hiện và bảo vệ đàn voọc gáy trắng tại Quảng Bình.

Chúng sống hiền lành và rất dạn dĩ với con người. Người dân ở đây ngày nào đi chăn bò, đi làm ruộng mà chẳng nhìn thấy chúng. Nhiều lúc chúng xuống sát chân lèn, ngồi trên những ngọn cây vặt lá ăn và xem con người điều khiển trâu bò cày ruộng cả buổi xem chừng thích thú lắm. Nhưng, đôi khi chính những đàn vượn lại đánh nhau để tranh giành lãnh thổ.

“Có một lần, tui đi chăn bò ở thung lũng giữa chân lèn Nước Lặn và Khe Đá thì bỗng nghe thấy tiếng hú inh ỏi vang lên liên hồi, cả khu rừng như náo loạn.

Một lúc sau, từ phía núi, tui giật mình khi nhìn thấy 2 con vượn lớn đang đuổi nhau chạy về phía mình. Chưa kịp phản ứng thì con vượn chạy trước đã lao vào ôm lấy chân tui. Người nó máu me be bét, nó vừa ôm chân tui vừa ngước mắt nhìn như van lơn, cầu cứu. Cũng lúc đó, con vượn phía sau trườn tới rồi khựng lại. Tui cầm con roi trên tay xua con vượn thắng trận đi. Một lúc sau, con vượn thua trận mới buông chân tui ra và cúi đầu hục hục chạy về phía ngọn núi”- cụ Đồng kể lại.

Cũng theo cụ Đồng, ngày xưa, voọc nhiều là vậy nhưng những năm chiến tranh bom đạn tàn phá, đặc biệt là nhiều năm nay, những đồn thổi về các loại “thần dược” từ các bộ phận của loài linh trưởng, đàn voọc đã bị những thợ săn dùng súng, đặt bẫy tận diệt một cách không thương tiếc.

Đã một thời gian khá dài, người dân ở Thạch Hóa không còn thấy sự hiện diện của đàn voọc trên những ngọn lèn thân quen. Từ chỗ dạn dĩ với con người, chúng đã tìm cách lẫn vào những hốc núi, nhưng vẫn không thể yên thân bởi những tay thợ săn thiện xạ.

Người… “vác tù và hàng tổng”

img

Đàn voọc đang sinh sôi mạnh mẻ ở Thạch Hóa. Ảnh: P.P

Tôi tìm về Thạch Hóa tìm gặp ông Nguyễn Thanh Tú – người đang ngày đêm canh giữ không công cho đàn voọc Hà Tĩnh được bình yên trước họng súng của kẻ săn trộm. Năm 2012, sau nhiều năm phục vụ trong quân đội, ông Tú về hưu và trở lại quê nhà. Nhớ lại kỷ niệm tuổi thơ cùng bạn bè chăn bò bên chân núi, ngắm voọc mỗi ngày, ông Tú quyết định cất công đi tìm chúng. Nhưng rất nhiều ngày trèo rừng, lội suối không thấy tăm hơi đàn voọc quý. Đang tuyệt vọng định bỏ cuộc thì ông bỗng thấy một đàn voọc gần chục con mình đen tuyền, đuôi dài, hai má trắng, đỉnh đầu có chòm lông đen hất lên đang truyền cành trước mắt ông. Ông Tú reo lên vì mừng, đó không phải là giấc mơ mà chính là hiện thực.

Là bộ đội biên phòng có trên 16 năm công tác ở tuyến rừng biên giới Quảng Bình, ông Tú từng được dự các lớp tập huấn nhận diện các loài động vật đặc hữu, quý hiếm, nên ông biết đàn voọc ở quê mình mà bà con quen gọi vượn chính là voọc Hà Tĩnh (loài linh trưởng quý hiếm có trong Sách đỏ) đang được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt. Chính vì vậy, ông Tú đưa ra quyết tâm là phải bỏ công bảo vệ đàn voọc dù chẳng ai được ai phân công.

 Những ngày luồn rừng, leo núi bảo vệ đàn voọc, ông Tú biết được ở xã Đồng Hóa có anh thợ săn khét tiếng có biệt tài bắn voọc. Thế là ông Tú tìm gặp anh thợ săn này. Ông đem toàn bộ kiến thức về loài voọc, giải thích rõ với anh ta rằng đây loài đặc biệt quý hiếm, có tên trong Sách đỏ, được pháp luật bảo vệ, là tài sản quốc gia, ai săn bắt chúng sẽ bị đi tù…

Lúc đầu người thợ săn cũng không chịu nghe, bởi đây là một nghề dễ kiếm tiền. Thế nhưng, sau nhiều lần trò chuyện, người thợ săn là anh Nguyễn Văn Hồng (xã Đồng Hóa) đã hiểu ra. Hồng không những bỏ hẳn nghề thợ săn mà còn cam kết cùng ông Tú bảo vệ đàn voọc. Ngoài anh Hồng, ông Tú còn “lôi kéo” được nhiều người khác như ông Sửu, ông Nam… vào đội cộng đồng bảo vệ voọc không công của mình và trở thành những... “người rừng” chăm voọc.

Sau một thời gian được bảo vệ nghiêm ngặt bởi tổ bảo vệ cộng đồng, đàn voọc Hà Tĩnh ở Thạch Hóa đã sinh sôi một cách kỳ lạ. Từ chỗ chỉ có một đàn với khoảng hơn 10 con ông Tú tìm thấy ở lèn Cây Gạo năm 2012, đến nay hầu như tất cả các lèn đá ở Thạch Hóa cũng có sự xuất hiện của voọc. Từ chỗ phải xa lánh con người, bây giờ  ngày nào cũng có thể nhìn thấy đàn voọc Hà Tĩnh xuất hiện bên lèn đá, sát những chân ruộng nơi họ cày bừa, chăn thả trâu bò…

Có mặt cùng với chúng tôi tại Thạch Hóa và Đồng Hóa thời gian này còn có một đoàn người nước ngoài 9 người đến từ các nước Đức, Bỉ và Ấn Độ. Họ mang theo ống nhòm, máy ảnh hiện đại, ung dung cùng ngồi uống cà phê dưới mái hiên nhà anh Nguyễn Văn Hồng (xã Đồng Hóa) và thích thú ngắm, ghi hình đàn voọc đang chuyền cành, ăn lá và đùa nghịch cách đó chưa đầy 200m.

Ông Tú giờ là nhóm trưởng nhóm cộng đồng bảo vệ đàn voọc, cho biết, từ khi ông đứng ra cùng cộng đồng bảo vệ đàn voọc, ngôi nhà nhỏ của ông trở thành nơi hội tụ của những người yêu loài linh trưởng đến từ khắp nơi trên thế giới. “Họ là những nhà khoa học đến từ các vườn thú trên thế giới, như: Đức, Bỉ…, hay chỉ đơn giản là những nhà nhiếp ảnh, nhà báo… Nhưng tất cả mọi người đến đây đều rất thân thiện, yêu thiên nhiên và đặc biệt là rất yêu loài voọc ở Thạch Hóa này. Bằng chứng là nhiều người cả ngày ghi hình đàn voọc mà quên cả đói. Cũng có bạn ở tận trong Sài Gòn bay ra, gặp lúc trời mưa, đàn voọc không ra ăn, phải ở nhà tôi chờ liền mấy ngày…”- ông Tú chia sẻ.