Dân Việt

Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Bố mẹ làm gì để chính thức nhận lại con đẻ?

Xuân Lực 13/07/2018 09:55 GMT+7
Bạn đọc đặt câu hỏi, hai gia đình bị bệnh viện trao nhầm con cần làm gì để hoàn tất thủ tục chính thức nhận lại con đẻ?

img

Bé H cùng bố mẹ nuôi dưỡng mình 6 năm nay là anh Sơn - chị Hiền. Ảnh: Phạm Nhung.

Liên quan tới việc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì trao nhầm con cho gia đình anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, trú ở thị trấn Tây Đằng, Ba Vì) và chị Vũ Thị Hương (35 tuổi, trú ở xã Phú Sơn, cùng huyện Ba Vì) vào ngày 1/11/2012, nhiều bạn đọc đặt thắc mắc, hai gia đình cần làm gì để hoàn tất thủ tục nhận con đẻ?

Trao đổi với PV về thắc mắc của đọc giả, luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty luật Inteco) cho biết, trong trường hợp cả hai gia đình anh Sơn và chị Hương đồng thuận việc trao đổi lại con thì các thủ tục sẽ không quá phức tạp.

Theo đó, hai gia đình anh Sơn và chị Hương sẽ gửi mẫu trưng cầu giám định ADN tại Viện khoa học hình sự Bộ Công an để xác định quan hệ huyết thống với các con.

Sau khi được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận quan hệ huyết thống với con đẻ, hai gia đình sẽ tới UBND xã hoặc cấp huyện nộp tờ khai đăng ký nhận con theo mẫu quy định và giấy xác nhận quan hệ huyết thống để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

“Theo quy định khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Trường hợp này, các con chưa thành niên thì người giám hộ - tức là bố mẹ đã nuôi các con từ bé phải cùng có mặt.

Sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trích lục cho người yêu cầu”, luật sư Phong cho hay.

Sau khi hoàn tất thủ tục nhận con đẻ, hai gia đình sẽ tới UBND xã nơi cư trú để đăng ký thay đổi cải chính hộ tịch cho con đẻ của mình và làm thủ tục đăng ký lại giấy khai sinh cho con đẻ của mình.

Luật sư Phong cho biết, trong trường hợp hai bên gia đình không thỏa thuận được việc trao đổi lại con ruột thì có thể một trong hai bên đề nghị tòa án giải quyết. Việc đăng ký lại hộ tịch của các cháu bé có thực hiện được hay không phụ thuộc vào quyết định của tòa án.

img

Chị Hương đã bị sốc khi kết quả giám định ADN.

Về khúc mắc liên quan tới việc hai vợ chồng chị Hương đã ly hôn, trong quyết định tòa án ghi rất rõ cháu Đoàn Nhật M. (con chị Hương nuôi dưỡng từ bé và con ruột của anh Sơn) là con chung của vợ chồng chị Hương, luật sư Phong cho rằng, nếu chồng cũ chị Hương cũng đồng ý việc trao đổi nhận lại con đẻ với gia đình anh Sơn thì hai bên làm thủ tục nhận con, thay đổi hộ tịch như bình thường. Chồng chị Hương thay vì chu cấp cho cháu M thì có thể chuyển sang chu cấp cho con đẻ nhận lại từ gia đình anh Sơn.

"Việc chồng cũ chị Hương có nghĩa vụ chu cấp là giàng buộc pháp lý nhưng nếu các bên đạt được thỏa thuận, không khiếu kiện thì không cần sự can thiệp của cơ quan chức năng", luật sư Phong nói.

Theo luật sư Phong, trong trường hợp chồng cũ chị Hương không đồng ý trao lại con cho gia đình anh Sơn thì khi đó gia đình anh Sơn có quyền khiếu kiện ra tòa yêu cầu trao trả lại con đẻ cho gia đình mình.

"Với  kết quả giám định ADN chứng minh quan hệ huyết thống, anh Sơn hoàn toàn có thể được tòa cho phép nhận lại con ngay cả khi xảy ra trường hợp chồng cũ chị Hương không đồng ý.

Tuy nhiên, trường hợp này tôi cho rằng khó xảy ra vì không ai lại từ chối nhận lại con đẻ mình và cũng không nỡ chia cắt tình cảm ruột thịt một đứa trẻ dù mình từng nuôi dưỡng", luật sư Phong nói.

Năm 2012, anh Phùng Giang Sơn vui mừng đón đứa con trai đầu lòng. Đó là bé Phùng Thanh H (SN 1/11/2012). Nhưng càng lớn, bé H càng không có nét giống các thành viên trong gia đình. Điều này khiến vợ chồng anh rất băn khoăn.

Vô tình bố của anh Sơn xem ảnh trên điện thoại qua Facebook, nhìn thấy ảnh cháu Đoàn Nhật M (người con chị Vũ Thị Hương đang nuôi dưỡng ở cách nhà anh Sơn không xa) giống ông quá, nên đã bảo anh Sơn đưa bé H đi xét nghiệm ADN.

Kết quả giám định ADN của Viện Khoa học hình sự cho thấy, bé H không phải là con đẻ của anh Sơn.

Cậu bé M mà gia đình anh Sơn nghi ngờ là con đẻ của mình (thời điểm đó) cũng được đưa đi xét nghiệm ADN. Kết quả khiến hai gia đình rất bất ngờ. Vì đây chính là hai đứa trẻ bị trao nhầm.

Vì sao trao nhầm con suốt 6 năm mà đến nay chưa đổi lại?

Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ba Vì lý giải vì sao hai gia đình bị bệnh viện trao nhầm con từ 6 năm trước nhưng đến nay...